Rechercher dans ce blog

vendredi 21 novembre 2014

... nàng về lầu trang


Vội vàng lá rụng hoa rơi,
Chàng về viện sách nàng dời lầu trang.

(Truyện Kiều, http://xem-nom-thuy-kieu.blogspot.fr/2013/01/0361-0372.html)

Viện sách là do từ chữ Hán thư viện, nghĩa là: phòng học, thư phòng.
Cũng vậy, lầu trang là do từ chữ Hán trang lâu: nghĩa là khuê phòng, chỗ ở của phụ nữ. Như trong hai câu thơ của Liễu Vĩnh 柳永:
Nhật cao hoa tạ lãn sơ đầu, Vô ngữ ỷ trang lâu
日高花榭懶梳頭, 無語倚妝樓 (Thiếu niên du 少年游)
Mặt trời trên cao ở đài hoa biếng chải đầu, Lặng lẽ dựa lầu trang.
 

Đã từ lâu, tiếng Việt vay mượn Hán ngữ rất nhiều, dùng chữ y hệt như người Hán. Thí dụ (1): thư viện, khuê phòng.
 

Nhưng cũng có nhiều trường hợp, người Việt nói hơi khác đi theo ngữ pháp tiếng Việt. Thí dụ (2): viện sách, lầu trang.
 

Đó là do ảnh hưởng tự nhiên trong mọi ngôn ngữ loài người.
 

Tuy nhiên, ở miền Nam Việt Nam từ 1975 trở đi, người ta nhận thấy bỗng tràn ngập trong tiếng Việt những từ ngữ chữ Hán theo đúng như cách nói (khác xưa) của chính người Trung Quốc cộng sản.

Những từ ngữ chữ Hán này có thể xếp vào 3 loại như sau (*):

1) hoặc đã có mặt trong tiếng Việt, nhưng trước đó rất ít dùng và ngày nay nghe ra rả điếc cả tai. Thí dụ: sự cố, hoành tráng, hiện đại, v.v.
2) hoặc đã có mặt trong tiếng Việt, nhưng từ 1975 trở đi, được sử dụng với những ý nghĩa biến đổi khác hẳn. Thí dụ: xử lí, kinh điển, khẩn trương, đại gia, v.v.
3) hoặc chưa hề có mặt trong tiếng Việt, nhưng bỗng ồ ạt xâm lấn đầy dẫy trên báo chí, sách vở, trên mạng Internet, lan tràn đến cả những cách nói của người Việt tránh nạn cộng sản ở nước ngoài. Thí dụ: tham quan, hộ chiếu, hải quan, ca từ, X-quang,  đăng kí, hộ khẩu, v.v.
 

Điều đáng chú ý là những từ này không mang lại những khái niệm gì mới. Vì trước đó, trong tiếng Việt đã có những cách diễn tả tương đương, dù có vay mượn hay không vay mượn từ Hán ngữ.
 

Sự kiện này không thể coi như biến hóa tự nhiên về ngôn ngữ. Những từ mới áp đặt này chỉ có mục đích xóa bỏ dấu vết văn hóa lâu đời của Việt Nam và rập khuôn theo chế độ chuyên chế Trung Quốc.

Qua hiện tượng này, Nhà nước Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa đã tỏ ra đồng lõa và làm tay sai cho ngoại bang tiến hành chủ trương xâm lược đất nước mình qua ngả tiếng nói, cùng lúc với những hình thức xâm lăng khác: về kinh tế, quân sự, v.v.



Ghi chú:

(*) Xem thêm:
kinh điển 
hiện đại
sự cố 
hoành tráng 
đại gia
khẩn trương 
v.v.