Rechercher dans ce blog

lundi 26 septembre 2016

người lấy phân, đọc lại một bài thơ của Tú Xương



Người lấy phân
Planche 34, Henri OGER, "Techniques du peuple Annamite",
Ed. 2009, Olivier Tessier & Philippe Le Failler.


Phường nhơ

Bấy lâu chơi với rặt phường nhơ,
Quen mắt ưa nhìn chả biết dơ.
Nào sọt, nào quang, nào bộ gắp,
Đứa bưng, đứa hót, đứa đang chờ.
Mình hôi mũi ngạt không kỳ quản,
Áo ấm cơm no vẫn nhởn nhơ.
Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế,
Vẽ ông ôm đít để lên thờ!


Trần Tế Xương (1870-1907)

Bối cảnh lịch sử của bài thơ là nền thống trị của thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam. Bài thơ mô tả cuộc sống cụ thể của một hạng dân bần cùng thời đó: những người lấy phân. Hệt như bức vẽ trong sách của Henri OGER:

"Nào sọt (để đựng phân), nào quang (gánh), nào bộ gắp (phân),"

Nhưng bức vẽ trong sách của Henri OGER chỉ ở trong trạng thái tĩnh. Câu thơ sau của Tú Xương là một bức tranh sống động (dessin animé):

"Đứa bưng (sọt), đứa hót (phân), đứa đang chờ (người ta ỉa xong và tới phiên mình hót cứt)."


Chẳng riêng gì Hồ Xuân Hương, Trần Tế Xương xứng danh là một Chúa thơ Nôm.

Đây là một bài thơ nhằm đả kích bọn người bẩn thỉu trong buổi giao thời hơn 100 năm về trước. Phường nhơ, hay những người lấy phân, ám chỉ Vũ Tuân đang cậy cục Hoàng Cao Khải để được bổ làm quan.

"Ngán nỗi hàng phường khi cúng tế,
"Vẽ ông ôm đít để lên thờ!"

"Ôm đít": nghĩa là "làm động tác đi đại tiện", hay là "xun xoe hầu hạ làm tay sai cho Tây".

Về hai câu kết này, nhà thơ thuật lại với bạn là Trần Tích Phiên rằng, khi đó ông nghĩ đến Hoàng Cao Khải, đang bắt dân thờ làm thành hoàng sống làng Thái Hà, Hà Nội. (1)

Đọc lại bài thơ không khỏi bàng hoàng.

Không cần đổi một chữ, bài thơ viết ra hơn một trăm năm trước, dưới nền thống trị của thực dân Pháp, về những bọn tay sai cho Tây giày xéo đất nước, bây giờ lại chỉ thẳng vào Việt Nam Xã hội Chủ nghĩa, với bầy khuyển mã đang rập rình dâng lên phương Bắc dải đất quê hương.


Chú thích

(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Tú_Xương








mercredi 21 septembre 2016

2017 giáo dục phổ thông môn tiếng Nga và tiếng Trung


Một bản tin ra ngày Chủ nhật, 18/9/2016 trên trang web vnexpress.net (1) vừa cho biết:

"Bộ Giáo dục xây dựng chương trình giáo dục phổ thông môn tiếng Nga, tiếng Trung từ lớp 3 đến lớp 12 và sẽ thí điểm dạy như ngoại ngữ thứ nhất vào năm học tới."

Ngay hôm sau, cũng trên trang web này, người ta đọc bài biện minh (2) cho chính sách giáo dục mới như sau:

"Vì sao nên dạy tiếng Trung và tiếng Nga?
Trung Quốc có nền kinh tế đứng thứ hai thế giới, sử dụng được tiếng Trung là tiếp cận được với thị trường rộng lớn bao gồm Trung Quốc và cộng đồng người Hoa tại các nước Singapore, Malaysia…
(...)
Nước Nga với vị thế quân sự đứng thứ hai thế giới và nền kinh tế đứng thứ 9 thế giới, với những thành tựu to lớn trong khoa học kỹ thuật, với truyền thống hợp tác và mối quan hệ gắn bó lâu năm với Việt Nam, vậy có nên dạy tiếng Nga hay không?
"


Học hỏi, trong tinh thần tự do chọn lựa, để mở mang tiến bộ; biết tổ chức việc dạy dỗ cho hiệu quả; những cái đó khỏi phải nói chi nhiều.

Thế nhưng,

> trong bối cảnh tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và các quốc gia vùng biển Đông (trong đó có Việt Nam) từ nhiều năm nay;
> trước hiểm họa Bắc thuộc ngày càng rõ rệt (3);
> trước những diễn biến tranh đoạt quyền chính Nhà nước Việt Nam trong những năm tháng gần đây (thân Tàu, thân Nga, thân Mỹ) ...

Người dân rất ngờ cho sự chân thành của những chiêu bài (chương trình giáo dục) mới này.

Người ta cũng không quên rằng:

"Cùng lượt với sự thay đổi chế độ chính trị, hàng loạt những từ ngữ khuôn sáo vay mượn của người Trung Quốc đã xâm nhập vào trong tiếng nói người Việt. Đây là vài thí dụ trong những "từ mới vay mượn" này:  xử lý 處理, nhất trí 一致, hộ khẩu 戶口, xử trí 處置, chất lượng 質量, tập đoàn 集團, đăng ký 登記. Những từ này, trước 1975, người dân miền Nam "cũ" thường không biết tới, hay ít ra không hề dùng đến một cách máy móc tràn lan như bây giờ. Sự biến đổi này đâu phải tình cờ. Nó là hậu quả của một chính sách rập khuôn theo Trung Quốc ngày nay: 

a) chính trị độc tài xã hội chủ nghĩa, 
b) kinh tế thị trường trong vòng kiểm soát của Nhà nước." (4)

"Rõ ràng, đây là chủ trương đng hóa tiếng Việt theo tiếng Hoa. Nó mang ý đồ thâm độc của thực dân kiểu mới, dùng sức ép kinh tế không cần tới súng đạn, dùng ngôn ngữ văn hóa xâm nhập vào tận đầu óc người dân bị trị." (5)



Ghi chú

(1) http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-thi-diem-day-tieng-nga-trung-quoc-3470109.html
(2) http://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/vi-sao-nen-day-tieng-trung-va-tieng-nga-3470656.html?utm_source=detail&utm_medium=box_topic&utm_campaign=boxtracking
(3) Lá Thư của Hồng Thuý viết từ Hưng Yên về thảm hoạ Hán hoá Việt Tộc, PDF: http://tinyurl.com/hzh3rxy
(4) http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2012/06/vi-sao-co-blog-nay.html
(5) http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2012/06/ba-chieu-huong.html