Khi lập ra trang blog này,
người viết có ý muốn theo dõi tìm hiểu chiều hướng biến hóa của tiếng Việt ngày
nay.
Có hai động lực chính thúc đẩy
công việc viết blog này.
Động lực thứ nhất: Công trình nghiên cứu của tác giả bộ "Từ điển nguồn gốc tiếng Việt"
cho thấy tiếng Việt là một thứ tiếng nói lâu đời, bắt nguồn cùng với nhiều thứ
tiếng láng giềng Lào, Cam Bốt, Thái, Chàm, H'Mong, Tây Tạng, và nhiều tiếng nói
khác nữa. Dĩ nhiên, không thể phủ nhận ảnh hưởng sâu đậm của tiếng Hán, suốt một
nghìn năm Bắc thuộc, sau đó, và cho tới bây giờ chưa hết.
Thành quả lớn của bộ từ điển
này là:
1) Đánh đổ thành kiến cũ,
coi tiếng Việt có tới 50% hay 70% gốc Hán.
2) Phá bỏ quan điểm, trước
đây không lâu, của một số những nhà trí thức, học giả, chuyên gia ngôn ngữ...
dám quả quyết tiếng Việt là tiếng của người Tàu. Chỉ xin nhắc lại một thí dụ:
trường hợp Giáo sư Lê Ngọc Trụ, người đã bỏ công "sưu tầm, biên khảo, (...), vì tiền đồ văn hóa nước nhà" viết
ra tập sách "Tầm-Nguyên Tự-Điển Việt-Nam" (1974), trong đó, bao nhiêu
tiếng Việt đã bị gán vào gốc chữ Hán một cách gượng ép.
Động lực thứ hai: Những xáo trộn lớn trong tiếng Việt sau biến cố lịch sử 1975, khi cả đất
nước Việt rơi vào tay chế độ chính trị độc tài độc đảng, gọi là Xã Hội Chủ
Nghĩa. Mà ai cũng rõ, sự biến hóa của tiếng nói người dân luôn luôn gắn liền với biến chuyển lịch sử, văn hóa, xã hội... của đất nước biết chừng nào!
Tạm thời, xin nêu ra 3 đặc
điểm trong đà biến chuyển của tiếng Việt ngày nay:
Đặc điểm thứ nhất: Cùng lượt
với sự thay đổi chế độ chính trị, hàng loạt những từ ngữ khuôn sáo vay mượn của
người Trung Quốc đã xâm nhập vào trong tiếng nói người Việt. Đây là vài thí dụ trong
những "từ mới vay mượn" này:
xử lý 處理, nhất trí 一致, hộ khẩu 戶口, xử trí 處置, chất lượng 質量, tập đoàn 集團, đăng ký 登記. Những từ này,
trước 1975, người dân miền Nam "cũ" thường không biết tới, hay ít ra
không hề dùng đến một cách máy móc tràn lan như bây giờ. Sự biến đổi
này đâu phải tình cờ. Nó là hậu quả của một chính sách rập khuôn theo Trung Quốc ngày nay: a) chính trị độc đảng xã hội chủ nghĩa, b) kinh tế thị
trường trong vòng kiểm soát của nhà nước.
Đặc điểm thứ hai: Sự xuất hiện
những "từ mới" theo sát ngữ pháp Hán văn. Thí dụ: ca từ 歌詞, X-quang X-光, Việt dịch 越譯,bức xúc 逼蹙. Hiện tượng
thích nói theo kiểu "dòng thanh thủy" (thay vì nói "dòng nước
trong") đã gần như biến mất trước đây, bỗng tràn ngập trên báo chí, sách vở
và trong các câu nói hằng ngày.
Đặc điểm thứ ba: Nhà nước Việt
Nam, cũng muốn theo dòng tiến hóa thế giới, cố gắng tạo ra một số từ mới hay
tìm cách phiên dịch những danh từ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển. Nhưng
hiện nay, vẫn còn gặp nhiều lôi thôi. Hơn nữa, trong tình cảnh văn hóa suy đồi,
mang tinh thần vọng ngoại, người dân nói năng, báo chí viết lách ngày càng thêm tối tăm bừa bãi.
Một trang blog cần thiết cho việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
RépondreSupprimerCháu xin phép được lấy những bài viết của tác giả đưa lên mạng xã hội facebook và ghi rõ nguồn! Cháu xin cảm ơn!
RépondreSupprimerva^ ng.
Supprimer