Rechercher dans ce blog

lundi 24 février 2020

một lá thư văn phòng chính phủ và những nghịch lí Việt Nam


Ngày 19 tháng 2 năm 2020, Văn phòng Chính phủ đã gửi đến giáo viên Chu Ngọc Thanh (tác giả bài thơ "Đất nước ở trong tim") một lá thư khen ngợi cô đã "phản ánh đúng thực trạng phòng, chống dịch Covid-19 của đất nước".

Sau đây, xin đọc lại từng dòng từng chữ lá thư này, để thấy rõ đâu là thực trạng của đất nước và dân tộc Việt Nam hôm nay.

hình chụp lá thư


Lời bàn "tiếng Việt"

Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam

Đây là tên gọi chính thức của nước Việt Nam hiện tại. Tên gọi này thay thế cho quốc hiệu cũ "Việt Nam Dân chủ Cộng hòa", đã được Hồ Chí Minh tuyên bố thành lập vào ngày 2 tháng 9 năm 1945 với thủ đô là Hà Nội. Tên gọi thay đổi, nhưng bản chất chỉ là một: "lấy chủ nghĩa Mác - Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" (xem Tham khảo: 2.2). Thể chế này, từ cuộc cách mạng tháng 10 năm 1917,  đem áp dụng ở bất cứ quốc gia nào trên trái đất, chỉ mang lại đói rách và chết chóc. Liên bang Xô Viết năm 1989 đã sụp đổ hoàn toàn. Tổng số nạn nhân của chế độ này trên thế giới trong thế kỉ XX lên tới 100 triệu người chết (xem Tham khảo: 2.3 Histoire mondiale du communisme). Việt Nam năm 2020 là 1 trong 5 nước cuối cùng (*) trên thế giới vẫn khăng khăng theo "định hướng Xã Hội Chủ Nghĩa".

(*) Le Point magazine 25/10/2019
Le nombre des pays à gouvernement communiste s’est réduit comme peau de chagrin, ces dernières années. Ils ne sont plus que cinq (la Chine, Cuba, le Vietnam, le Laos, la Corée du Nord).

Đó là nghịch lí Việt Nam thứ nhất.

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Đây là Châm ngôn (tiếng Pháp: Devise) của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, dựa theo câu nói của Hồ Chí Minh trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Đâu là độc lập tự do?

Năm 1954, Việt Nam giành lại độc lập, nhưng đất nước bị chia đôi. Nhà nước Hà Nội, tiếc thay đã trở thành công cụ của ý thức hệ mác-xít, với sự hỗ trợ của Liên Xô và nhất là của Trung Quốc Cộng Sản, tiếp tục chiến tranh, và thành công đưa cả nước vào tròng xã hội chủ nghĩa từ năm 1975. 

Hơn thế nữa, ngay từ năm 1958, thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) đã viết công hàm dâng biển đảo Việt Nam cho Bắc Kinh. Bây giờ, công an vẫn đàn áp, cưỡng chế ngăn chặn nhân dân biểu tình chống ngoại xâm (chú thích 3).

Từ tháng 12 năm 2019 đến hôm nay (22/02/2020), bệnh dịch Coronavirus hoành hành ở Trung Quốc. Bắt nguồn bạo phát từ Vũ Hán, số người chết bệnh và nhiễm bệnh mỗi ngày tăng cao dữ dội, Nhà nước Trung Quốc đã phải phong tỏa gần 60 triệu dân vùng Hồ Bắc và các tỉnh khác nữa. Các quốc gia lân cận và những nước ngoài (có ít nhiều liên hệ với Trung Quốc) đều cấp tốc đóng cửa không cho người Tàu nhập cảnh vào đất họ, đồng thời di tản dân chúng của họ về nước. Trong khi đó, mà Nhà nước Hà Nội làm bộ "bình chân như vại", không dám đóng cửa biên giới Việt Hoa, với lí do chưa được phép của Bắc Kinh. Rõ ràng "cháy nhà ra mặt chuột", Nhà nước XHCN đã mất hết chủ quyền.

Đó là nghịch lí Việt Nam thứ hai.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tưởng

Trích dẫn lá thư: "thực hiện có hiệu quả kế hoạch phòng, chống dịch Covid-19 mà Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo và triển khai."

Thứ tự quyền lực từ cao xuống thấp xếp đặt như sau:

1) Đảng
2) Nhà nước
3) Chính phủ
4) Thủ tướng Chính phủ

Đảng ở đây là Đảng Cộng Sản. Một tập đoàn dưới 1% dân số, đặc quyền đặc lợi và có toàn quyền sinh sát trong tay đối với gần 100 triệu người dân.

Năm 2020, trong bối cảnh Coronavirus (còn gọi là Vũ Hán phế viêm) đe dọa, Bắc bộ phủ vừa tổ chức linh đình đại hội kỉ niệm 90 năm thành lập đảng.

Đó là nghịch lí Việt Nam thứ ba.

chỉ đạo và triển khai

a) Hai chữ "chỉ đạo" nằm trong bảng những "từ mới vay mượn" của tiếng Trung (Cộng Sản).

Cùng lượt với sự thay đổi chế độ chính trị, hàng loạt những từ ngữ khuôn sáo vay mượn của người Trung Quốc đã xâm nhập vào trong tiếng nói người Việt. Đây là vài thí dụ trong những "từ mới vay mượn" này:  xử lý 處理, nhất trí 一致, hộ khẩu 戶口, xử trí 處置, chất lượng 質量, tập đoàn 集團, đăng ký 登記. Những từ này, trước 1975, người dân miền Nam "cũ" thường không biết tới, hay ít ra không hề dùng đến một cách máy móc tràn lan như bây giờ. Sự biến đổi này đâu phải tình cờ. Nó là hậu quả của một chính sách rập khuôn theo Trung Quốc ngày nay: a) chính trị độc đảng xã hội chủ nghĩa, b) kinh tế thị trường trong vòng kiểm soát của nhà nước (xem Tham khảo: 4).

b) Hai chữ "triển khai" nằm trong lối "nói ngược" bị áp đặt một cách "bất bình thường" trong tiếng Việt ngày nay.

Quanh quẩn, quẩn quanh. Tới lui, lui tới. Qua lại, lại qua... Trong tiếng Việt từ xưa vẫn có cách nói ngược xuôi, xuôi ngược như vậy. Ý nghĩa như nhau, chỉ tùy theo nhu cầu âm điệu trong câu nói hoặc quy luật bằng trắc trong bài thơ mà tự do biến đổi.

Tuy nhiên, có nhiều từ ngữ người Việt chỉ dùng theo một chiều thôi, chẳng hạn: đơn giản, bảo đảm, khai triển.

Bỗng một hôm, "người ta" đồng loạt nói đảo ngược những chữ này thành: giản đơn, đảm bảo, triển khai.

Cớ sao, thình lình, một sớm một chiều, bỗng chốc, cùng lúc, hùa nhau nói xoay ngược trở lại như vậy?

Lạ nhất là cách xoay ngược thành xuôi, lại bắt chước nói y hệt như người Tàu ở tận phương Bắc xa xôi!

Cùng với hiện tượng lộn ngược tiếng nói này:
... một đất nước chìm đắm trong một chế độ độc tài đen tối,
... một dân tộc đày đọa lầm than,
... một xã hội đầy dẫy bất công gian trá,
(xem Tham khảo: 5).

Đó là nghịch lí Việt Nam thứ tư.

Nghịch lí: không đúng với lẽ thường, trái ngược với sự lí đương nhiên. Người hiểu biết thuận thời mà mưu hoạch, kẻ ngu dốt ngược với sự lí mà loạn động (Cái văn tri giả thuận thì nhi mưu, ngu giả nghịch lí nhi động , Hậu Hán Thư Chu Phù truyện ).





Phụ lục

Giữa thời đại của AI Artificial Intelligence, Nhà nước XHCN lúc nào cũng huênh hoang là "đỉnh cao trí tuệ", mà lại viết một lá thư đuôi chuột ngớ ngẩn như trên, người dân không khỏi nực cười.

Theo tin mới nhất (xem Tham khảo: 1), cô giáo Chu Ngọc Thanh đã xóa bài thơ của mình trên trang Internet của cô ta, — vì nhân dân ào ào nổi lên chế giễu bài thơ đến thúi cả đầu.

Và ông Thủ tướng Chính phủ, không kèn không trống, cũng đã ra lệnh gỡ lá thư "trí tuệ" của mình trên các báo chí Internet từ mấy hôm rồi.

(1) Bài thơ của giáo viên Chu Ngọc Thanh (2020)

Đất nước ở trong tim

Đất nước mình bé nhỏ vậy thôi em
Nhưng làm được những điều phi thường lắm
Bởi hai tiếng nhân văn được cất vào sâu thẳm
Bởi vẫn giữ vẹn nguyên hai tiếng đồng bào.

Em thấy không? Trong nỗi nhọc nhằn, vất vả, gian lao
Khi dịch bệnh hiểm nguy đang ngày càng lan rộng
Cả đất nước mình cùng đồng hành ra trận
Trên dưới một lòng chống dịch thoát nguy.

Với người láng giềng đang lúc lâm nguy
Đất nước mình không ngại ngần tiếp tế
Dù mình còn nghèo nhưng mình không thể
Nhắm mắt làm ngơ khi ai đó cơ hàn.

Với đồng bào mình ở vùng dịch nguy nan
Chính phủ đón về cách ly trong doanh trại
Bộ đội vào rừng chịu nắng dầm sương dãi
Để họ nghỉ ngơi nơi đầy đủ chiếu giường.

Với chuyến du thuyền đang khóc giữa đại dương
Mình mở cửa đón họ vào bến cảng
Chẳng phải bởi vì mình không lo dịch nạn
Mà chỉ là vì mình không thể thờ ơ.

Thủ tướng phát lệnh rồi, em đã nghe rõ chưa
“Trong cuộc chiến này sẽ không có một ai bị để lại”
Chẳng có điều gì làm cho mình sợ hãi
Khi trong mỗi người nhân ái được gọi tên.

Từ mái trường này em sẽ lớn lên
Sẽ khắc trong tim bóng hình đất nước
Cô sẽ nối những nhịp cầu mơ ước
Để em vẽ hình Tổ quốc ở trong tim.

Nhớ nghe em, ta chẳng phải đi tìm
Một đất nước ở đâu xa để yêu hết cả
Đảng đã cho ta trái tim hồng rạng tỏa
Vang vọng trong lòng hai tiếng gọi Việt Nam!

Chu Ngọc Thanh, giáo viên Trường THCS Hùng Vương - Gia Lai.


(2) Bài thơ của giáo viên Trần Thị Lam (2018)

ĐẤT NƯỚC MÌNH NGỘ QUÁ PHẢI KHÔNG ANH?

Đất nước mình ngộ quá phải không anh?
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi...

Đất nước mình lạ quá phải không anh?
Những chiếc bánh chưng vô cùng kì vĩ
Những dự án và tượng đài nghìn tỉ
Sinh mạng con người chỉ như cái móng tay...

Đất nước mình buồn quá phải không anh?
Biển bạc, rừng xanh, cánh đồng lúa biếc
Rừng đã hết và biển thì đang chết
Những con thuyền nằm nhớ sóng khơi xa...

Đất nước mình thương quá phải không anh?
Mỗi đứa trẻ sinh ra đã gánh nợ nần ông cha để lại
Di sản cho mai sau có gì để cháu con ta trang trải
Đứng trước năm châu mà không phải cúi đầu...

Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh?
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời dùm đất nước sẽ về đâu...

(Trần Thị Lam - GV Trường Chuyên Hà Tĩnh)




Tham khảo

(1) Blog TS NGUYỄN XUÂN DIỆN
http://xuandienhannom.blogspot.com/
(2)
(2.1) Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
https://vi.wikipedia.org/wiki/Việt_Nam
(2.2) Văn phòng Chính phủ
https://vi.m.wikipedia.org/wiki/Văn_phòng_Chính_phủ_(Việt_Nam)
(2.3) Hiến pháp Việt Nam
http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop?categoryId=920&articleId=10052990
(2.4) Histoire mondiale du communisme, Thierry Wolton,  Ed. Grasset, France, 2017
(3) Bức dư đồ
https://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2012/07/buc-du-o.html
(4) Những "đặc điểm" của tiếng Việt XHCN
http://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2012/06/vi-sao-co-blog-nay.html
(5) Ngược xuôi xuôi ngược
https://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2014/12/quanhqu-n-mai-gi-u-vai-ba-dang-i-e-u-t.html













Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.