Rechercher dans ce blog

mardi 23 février 2021

đầu trâu mặt ngựa

 


Ai từng đọc qua Truyện Kiều, dù ở bậc trung học qua chương trình dạy Việt văn năm đệ Tứ (tức là lớp 9 bây giờ), cũng khó quên bốn chữ "đầu trâu mặt ngựa" trong đoạn miêu tả cảnh Vương viên ngoại, cha nàng Vương Thúy Kiều, bị vu cáo và bị bọn sai nha (triều đình nhà Minh bên Tàu)  đến nhà bắt bớ hành hung:


tranh Tú Duyên (1915-2012)




0577. Người nách thước, kẻ tay đao,

0578Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.

0579Già giang một lão một trai,

0580. Một dây vô lại buộc hai thâm tình.


Năm 1975, một người bạn của tôi, còn kẹt lại ở Sài Gòn, nhìn tận mắt cảnh bộ đội công an Nhà nước nhào vô thành phố vơ vét chiếm đóng nhà cửa nhân dân, xúc cảnh sinh tình, liền bật ra 2 câu Kiều đã dẫn ở trên:


0577. Người nách thước, kẻ tay đao,

0578Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi.


"Đầu trâu mặt ngựa" ở đây chỉ "bộ đội công an" Nhà nước vậy.


Gần đây, tôi mới tìm được nguồn gốc sâu xa của 4 chữ này trong kinh sách Phật giáo.


đầu trâu mặt ngựa: chỉ bọn người hung ác. Do chữ "ngưu đầu mã diện" 牛頭馬面. 

(1) Ngưu Đầu 牛頭 (tiếng Phạm: Gośīrṣa) là tên của một ngục tốt ở địa ngục, tức A Bàng La Sát 阿傍羅剎. Theo kinh Ngũ Khổ Chương Cú, thì hình tượng của A Bàng là đầu trâu tay người, hai chân có móng trâu, sức mạnh có thể dời núi, tay cầm xoa sắt, mỗi xoa có ba mũi nhọn, có thể xiên vài trăm vạn người có tội ném vào trong vạc dầu. 

(2) Mã Diện 馬面 (tiếng Phạm: Aśvaśīrṣa) là tên một quỷ sứ ở địa ngục. Theo kinh Lăng Nghiêm 楞嚴: Ngục tốt Ngưu Đầu, Mã Đầu La Sát, tay cầm thương mâu, xâm nhập vào thành, đi tới Địa ngục Vô Gián. Chiều rộng của địa ngục này là 84.000 do tuần, thân hình của các chúng sinh chịu khổ trong địa ngục này cũng cao 84.000 do tuần, bởi thế thân hình chúng sinh đầy ắp khoảng không gian của địa ngục, không xen kẽ, không cách hở, cho nên gọi là "thân hình vô gián địa ngục" 身形無間地獄 (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).



Gần 50 năm qua, đất nước Việt Nam đang trải qua một thời kì đen tối nhất trong lịch sử xưa nay.


Mấy ngày đầu năm 2021 vừa qua lại xảy ra trường hợp kết án 3 nhà báo nhân quyền.


Dư luận thế giới vô cùng ngạc nhiên và phẫn nộ trước 3 bản án nghiêm khắc ngày 05-01-2021 mà Tòa án Nhân dân Tp Hồ Chí Minh giáng xuống cho 3 nhà báo độc lập thuộc Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, 15 năm tù cho Phạm Chí Dũng, và 11 năm tù cho Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn.


Hỡi ơi, "đầu trâu mặt ngựa" bây giờ không chỉ là đám chân tay sai bảo của Nhà nước nữa. Chúng đã thăng cấp lên bậc Tòa án Nhà nước rồi, nhân dân ơi.


Lại phải gọi tới một câu khác trong Truyện Kiều:


1706. Hay đâu địa ngục ở miền nhân gian.


Đọc lại đoạn văn miêu tả cái địa ngục "vô gián" trên đây không khỏi kinh hoàng.


http://vietnamtudien.org/vanhoc/tk_kieu.php?page_no=49











 

lundi 8 février 2021

cuối năm con chuột lẩy Kiều

 


Tối hôm qua, nhận được một email của một người bạn trẻ trong nước gửi cho xem, mới hay đã gần hết năm con chuột.

Mở ra xem, một bài rất dài, đăng trên báo mạng Internet https://vnexpress.net/quy-dinh-cam-tang-qua-tet-nhac-nho-can-bo-liem-chinh-4232664.html

Chỉ cái nhan đề bài báo thôi, đã rất nhiều hứa hẹn:

«Quy định cấm tặng quà Tết nhắc nhở cán bộ liêm chính»


Tôi có thói quen đọc lướt rất nhanh những tin tức báo chí. Bài này rất dài, nhưng tôi đã thấy ngay cái lối ăn nói lải nhải nhồi sọ tuyên truyền, ngán như ăn cơm nếp nát.

Chợt nhớ ngay đến một bài báo tương tự, viết về hoạt động của "Đoàn 969 chuyên phục vụ việc thăm Lăng Bác" ở Ba Đình Hà Nội. 

Thanh tra rồi lại kiểm tra,

Tra đi tra lại cá tra... nó vẫy vùng. (*01)


Bài báo hôm nay tôi đem chép lại ngay vào hồ sơ riêng, gọi là "Những tài liệu Lịch sử XHCN". Một ngày đẹp trời nào đó trong tương lai không định, người ta sẽ biết ngày hôm nay đây 07/02/2021 đã có ông TS Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Pháp chế, đã nói như thế như thế, — chứ không, nếu báo vnexpress sau này xóa mất bài viết, thì con cháu lấy gì mà tin được.


Tôi gồng mình đọc lại kĩ lưỡng bài báo, cố gắng dẹp qua một bên tất cả những thành kiến ​​không tốt cho chế độ. Nhưng như người ta nói, lực bất tòng tâm, muốn cười nhưng miệng cứ méo sệch đi thôi. Sáng nay đành phải thức dậy sớm, và mở máy PC viết trang blog này cho lòng nguôi ngoai một chút.


Bạn đọc ơi, lời lẽ của ông TS Vụ trưởng Pháp chế kia, rất êm ái ngọt ngào, — như "đường mía lau"...

Mẹ già như chuối ba hương,

Như xôi nếp một như đường mía lau.


Mấy tuần nay, tôi đang đọc lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, nhìn tấm hình ông TS Vụ trưởng không khỏi nhớ lại 2 câu thơ mô tả Mã giám sinh, là tay mua Kiều đem về lầu xanh của Tú bà:

0627. Quá niên trạc ngoại tứ tuần,

0628. Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.


Kiên nhẫn đọc thêm chục dòng nữa, lại càng thấy giống một nhân vật khác không kém phần ngoạn mục:

1059. Một chàng vừa trạc thanh xuân,

1060. Hình dong chải chuốt áo khăn dịu dàng.

1061. Nghĩ rằng cũng mạch thư hương,

1062. Hỏi ra mới biết rằng chàng Sở Khanh.


Xin đọc lời kết luận bài phỏng vấn của ngài Tiến sĩ nhân dân:

"Tặng quà trong các dịp lễ Tết vốn là câu chuyện mang tính văn hóa. Quà tặng thể hiện tình cảm quý mến, sự trân trọng, biết ơn, "uống nước nhớ nguồn", "ăn quả nhớ kẻ trồng cây", cũng đòi hỏi chúng ta ứng xử hết sức văn hóa.

Bản thân các quy định về quà tặng hay các chỉ thị, yêu cầu về vấn đề này cũng không cứng nhắc cấm đoán mà trước hết là nhắc nhở cán bộ, công chức, về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn sự liêm chính.

Với nhận thức đầy đủ và cách ứng xử văn hóa, chuyện quà cáp sẽ giữ nguyên được giá trị văn hóa của nó trong đời sống của người Việt Nam. Ngày xuân thăm hỏi, gặp gỡ, chúc nhau an lành và có thể một chút quà nho nhỏ chắc không có gì đáng trách, bởi vì tình cảm thì luôn luôn đáng trân trọng."


Năm hết Tết đến, xin lẩy câu Kiều gửi đến Chính phủ Nhà nước (*02):

1315. Nàng rằng: Vâng biết ý chàng,

1316. Thanh tra điểm điểm hàng hàng kiểm tra.


(2021/02/07)


Chú thích

(*01) http://tieng-viet-dtk.blogspot.com/2020/08/ca-tra-vay-vung.html

(*02) https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/doan-969-phuc-vu-8-7-trieu-luot-nguoi-vao-lang-vieng-bac--611856/

* Tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng thanh tra, kiểm tra phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, Thanh tra tỉnh Bắc Giang thường xuyên rà soát, chấn chỉnh, khắc phục những bất cập, hạn chế trong công tác thanh tra, kiểm tra; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 769/CT-TTCP ngày 17-5-2019 của Thanh tra Chính phủ về việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với công chức, viên chức ngành thanh tra. Bên cạnh đó, ngành thanh tra Bắc Giang thực hiện tốt việc định hướng và chỉ đạo xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm, chú trọng khâu khảo sát, dự báo tình hình; tập trung thanh tra, kiểm tra đối với các địa phương, lĩnh vực còn yếu kém trong công tác quản lý và dễ phát sinh tiêu cực như: quản lý và sử dụng đất đai; đầu tư xây dựng; quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công; quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản...

Ngành đặc biệt quan tâm phát hiện những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách để kiến nghị sửa đổi, bổ sung kịp thời. Thanh tra Bắc Giang tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 15-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp; làm tốt việc thẩm định, kiểm tra, giám sát các kết luận thanh tra; tiến hành thanh tra lại hoặc kiến nghị thanh tra, kiểm tra lại đối với một số cuộc thanh tra, kiểm tra không bảo đảm chất lượng, có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm nguyên tắc, trình tự, thủ tục thanh tra, kiểm tra...


PV và TTXVN