Rechercher dans ce blog

mardi 21 avril 2020

câu chuyện khẩu trang


Mới hồi đầu tháng 3, đọc một bản tin bên Việt Nam về việc một thầy giáo làng đem bán 20 cái khẩu trang cho học trò và bị nhà trường đem ra "xử lý" (1), tôi nghĩ đây là một tin vặt theo kiểu "chó chết xe nhà binh cán". Nhưng không khỏi tội nghiệp cho người dân Việt trong thời buổi "khốn nạn" (2) bây giờ.

Chưa đầy 3 tuần lễ sau, bệnh dịch Covid-19 bùng nổ từ Vũ Hán, đùng đùng lan thành đại dịch trên khắp địa cầu. Các nước Ý, Pháp rồi Hoa Kỳ đang khốn đốn tìm phương chống đỡ. Riêng chính phủ nước Pháp, vốn tự hào với hệ thống y tế tân tiến bậc nhất trên thế giới, bỗng hốt hoảng nhận ra không có đủ khẩu trang, ngay cả cho bác sĩ và nhân viên cấp cứu bệnh nhân. Đến nỗi phải cấp tốc thương lượng với Trung Quốc mua hơn 1 tỉ (1 000 000 000) khẩu trang gởi khẩn cấp qua cầu hàng không (pont aérien) đặc biệt trong vòng mấy tuần lễ. Cùng một lúc, New York trở thành khu vực nhiễm bệnh Covid-19 lớn nhất hoàn cầu. Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như Pháp Quốc, chỉ biết trông vào Trung Quốc để cung cấp khẩu trang. Khổ một nỗi là hiện tại, Trung Quốc bao thầu 80% sản lượng khẩu trang trên toàn cầu. Nghe đồn trên thế giới, Hoa Kỳ còn tìm cách điều đình phỗng tay trên số lượng khẩu trang đã dành cho Pháp. Chiến tranh thế giới khẩu trang bắt đầu. 


Trong bối cảnh Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngày càng gay gắt qua mọi ngả: kinh tế, quân sự, văn hóa (nhất là qua tiếng nói), người dân Việt Nam phải biết ý thức không chịu để một Nhà nước Hà Nội (lịch sử đã cho thấy rõ chỉ là tay sai của đế quốc Bắc Kinh) đưa đẩy đất nước vào vòng nô lệ.

Riêng hai chữ "khẩu trang" này, tôi nghe có phần chướng tai. Vì hai lí do:

1) Thứ nhất, nó không nói đủ công dụng của miếng khăn che mặt này: ngăn ngừa người đeo bớt bị lây nhiễm vi khuẩn qua miệng và mũi. Chưa kể là qua cả mắt nữa. Vì thế mà trong nhiều trường hợp, người ta phải đeo thêm kính che mắt.
2) Thứ hai, tại sao phải mượn dùng chữ Hán khi ta có chữ nôm na dễ hiểu.

Từ ngày dịch "Vũ Hán phế viêm" (Covid-19 tiếng Tàu) bùng nổ, xem báo Tàu trên Internet, mới biết họ gọi là "khẩu tráo" 口罩. 

Cách đây mấy hôm, tôi gặp một mục từ trong bộ Phật Quang đại từ điển có hai chữ "khẩu tráo" 口罩 nàybạch y phái [白衣派].

Và tìm ra cách dịch của Đại hòa thượng Thích Quảng Độ cho hai chữ "khẩu tráo" 口罩.

bạch y phái [白衣派]

Phạm: Śvetāmbara. Là một trong các phái thuộc Kì Na giáo tại Ấn Độ. Vì tín đồ của phái này mặc áo trắng, tượng trưng cho sự liêm khiết, nên có tên gọi như thế. (...) Nghi thức tôn giáo của phái này hạn định chỉ được cử hành trong các đền miếu của Kì Na giáo. Cho phép tín đồ được có một cái áo dài trắng, một cái bát, một chiếc quạt, một khăn che miệng để đề phòng vi trùng vào mồm.
(允許教徒擁有一件白袍、一鉢、一撣與防止小蟲入口之口罩) (3).

Tuy nhiên, khi biết rằng người Pháp họ gọi nó là "masque de protection", người Anh gọi là "wear mask", sao ta không nói phứt là cái "mặt nạ" như trước đến giờ, khỏi cần khẩu trang khẩu tráo lôi thôi.

Nói thêm về chữ "nạ", trong bộ "Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt" (4) có giải thích như sau:

nạ: gốc Lào Thái, nghĩa là "cái mặt".  


Cho đến ngày hôm nay (21/04/2020), nước Pháp vẫn còn đang khốn đốn vì chưa có đủ mặt nạ để chuẩn bị cho chương trình thoát vòng phong tỏa toàn quốc (confinement général) dự trù bắt đầu vào giữa tháng 5 sắp tới.

Trong khi đó, dân chúng Việt Nam lại có vẻ phây phây ra đường che kín từ đầu tới chân.


Nếu thật bên Việt Nam không có người nào chết vì Covid-19, thì đây có lẽ là nhờ "đỉnh cao trí tuệ" của người dân Việt, chứ không phải mấy ngài "mặt trời tỏa sáng" ở Bắc Bộ Phủ (Hà Nội) đâu nhe.






Chú thích

(2) Theo nghĩa nhan đề cuốn tiểu thuyết Les misérables của Victor Hugo.
(3) Phật Quang Đại Từ Điểnbạch y phái [白衣派]
(4) Từ điển Nguồn gốc tiếng ViệtBác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, USA 2014

















samedi 18 avril 2020

Chủ tịch Nhà nước Tập Cận Bình hội kiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Việt Nam).


Tân Hoa Xã - Hà Nội ngày 17/04/2020 tin điện
(kí giả: Quan Kiến Vũ, Lí Chí Huy) 
Chủ tịch Nhà nước Tập Cận Bình ngày 17/04/2020 tại Hà Nội hội kiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Việt Nam).
http://www.xinhuanet.com/world/2019-06/14/c_1124625777.htm
https://m.chinanews.com/wap/detail/zw/gn/2020/04-17/9159784.shtml

Ngày 17/04/2020, Chủ tịch Nhà nước Tập Cận Bình tại Hà Nội đã hội kiến thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam). 
Tân Hoa Xã kí giả: Đinh Lâm Nhiếp.

Tập Cận Bình tuyên bố, trong vòng không đầy hai tháng nay, tôi đã cùng thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai lần hội ngộ, hết sức thể hiện mức độ cao trong quan hệ hai nước. Những năm gần đây, Trung Quốc và Việt Nam cùng nhau tín nhiệm, hợp tác, cũng như trong quan hệ chiến lược đồng bạn toàn diện, đã không ngừng phát triển tiến lên.

Đôi bên cần phải tiếp tục góp sức tiến hành xây dựng hoàn hảo quy trình "một vành đai một con đường", cùng với Việt Nam phát triển chiến lược đối tiếp, liên tục sáng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho sự kiến thiết Khu vườn Công nghiệp Trung Quốc - Việt Nam, thật thi tốt đẹp các hạng mục lớn lao, mở rộng giao lưu nhân văn mẫu mực hai bên, thúc đẩy quan hệ Trung Quốc - Việt Nam phát triển tiến tới không ngừng nghỉ.

photo Internet http://dangcongsan.vn/thoi-su/

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu thị, Việt Nam hoàn toàn là đồng bạn chiến lược, trong vấn đề liên quan tới lợi ích hai bên về nguyên tử hạch tâm, trước sau đều ủng hộ nâng đỡ lẫn nhau, thành quả các lĩnh vực hợp tác vô cùng to lớn.

Việt Nam khâm phục Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa quốc, thành lập từ 70 năm nay, đã đạt được những thành tựu huy hoàng, tích cực cùng chung xây dựng "một vành đai một con đường", mong mỏi cùng với Trung Quốc hợp tác mật thiết trong những lĩnh vực kinh tế mậu dịch, năng lực sản xuất, khoa học kĩ thuật, nhân văn, v.v. cùng nhau kiến thiết Khu vườn Công nghiệp đẹp đẽ cho Trung Quốc và Việt Nam.

Việt Nam nguyện cùng Trung Quốc tăng cường hợp tác tại Thượng Hải trong khuôn khổ những tổ chức nhiều thành phần...


Đinh Tiết Tường, Dương Khiết Trì, Vương Nghị... tham gia hội kiến.






Lời bàn "tiếng Việt - dtk"

Đọc bản tin này, người ta không khỏi ngạc nhiên vì giọng điệu ngọt ngào hiếm có của Tập Cận Bình đối với đàn em thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Việt Nam).

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan tràn thế giới, các cường quốc (Anh, Pháp, Hoa Kì...) bắt đầu lên tiếng, đặt ra vấn đề trách nhiệm của Trung Quốc trong việc phát sinh bệnh độc, đã giấu giếm quá lâu dịch tình ở Vũ Hán (từ cuối năm 2019), đến cả việc tổng thống Hoa Kì kết án nguồn gốc phát tán Coronavirus đều do Trung Quốc gây ra.

Tập Cận Bình ở đây chỉ tìm cách gián tiếp chống chế đấy thôi.

Lời lẽ ngọt như mía lùi. Không khỏi liên tưởng tới đoạn phim hoạt họa "Le Livre de la jungle" (Walt Disney), cảnh một con trăn độc đang tròn xoe mắt thôi miên cậu bé Mowgli.

Thực ra, Tập Cận Bình:
> trong bản tin của chinanews.com, đã gặp mặt (19/06/2019) tổng thống Lukashenko (Belarus), và 
> trong bản tin của xinhuanet.com, đã gởi  điện thư (17/04/2020) "úy vấn/thăm hỏi" ông này. 

Người dịch, từ nguyên văn bản tin thứ nhất trên đây, đã cố ý thay thế "tổng thống Lukashenko (Belarus)" bằng "thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Việt Nam)".

Thì cũng cá mè một lứa mà thôi. 























jeudi 2 avril 2020

Hai Cơn Đại Dịch


Xin phép anh Trần Văn Lương đăng bài "con cóc cuối tuần" mới ra ngày hôm nay 2020/04/02

Kính gửi đến quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.
Dạo:
      Dịch Tàu Vũ Hán dẫu kinh,
Nhưng so với dịch Ba Đình thấm chi!

Cóc cuối tuần:

      Hai Cơn Đại Dịch

Dịch Vũ Hán như trời long đất lở,
Khắp năm châu đang khóc dở đêm ngày,
Y khoa nào cũng đành chịu bó tay,
Xác chết cứ chất đầy nhà hỏa táng.

Cơn đại dịch đã tung hoành mấy tháng,
Khiến mọi người phải hốt hoảng lo âu,
Từ Á, Âu tới Mỹ đến Úc châu,
Đâu đâu cũng thi nhau ào đóng cửa.

Dù lan tràn như bão lửa,
Nhưng áng chừng cũng chỉ nửa năm thôi,
Một khi cơn đại dịch qua rồi,
Tất cả sẽ lại phục hồi như trước.

Bệnh truyền qua nhiều nước,
Số tử vong vượt mức mấy mươi ngàn,
Dù với mình người chết chẳng liên quan,
Nhưng vẫn thấy ruột gan dường dao cắt.

Chạnh nghĩ đến quê hương giờ đã mất,
Lòng lại càng thêm chất ngất buồn đau,
Đất nước mình, dịch Vẹm có từ lâu,
Còn ghê gớm hơn dịch Tàu vạn bội.

Từ xác chết ở Ba Đình, Hà nội,
Dịch tràn bờ ồ ạt tới khắp nơi,
Bảy chục năm giết chết mấy triệu người,
Khắp đất nước là một trời bão táp.

Dịch trà trộn vào phong trào chống Pháp,
Đoạn dần dà tàn sát hết những ai
Còn sáng mắt sáng tai,
Thấy mặt trái của chiêu bài Cộng sản.

Năm năm bốn, quê nhà lâm đại nạn,
Nước chia đôi, tiếng than oán ngập trời,
Nam Tự do, được vui hưởng kiếp người,
Bắc Cộng sản, dân sống đời trâu ngựa.

Rồi cậy có Nga Tàu làm chỗ dựa,
Vẹm mưu đồ chiếm nốt nửa giang san,
Vạn gái trai phải bỏ xác trên ngàn
Cho tham vọng của tập đoàn quỷ đỏ.

Đau đớn nhẽ, cả miền Nam sụp đổ,
Vì mắc trò tráo trở của đồng minh,
Uổng công bao chiến sĩ đã hy sinh,
Để gìn giữ cho quê mình yên ổn.

Bên thất trận chịu muôn vàn khốn đốn,
Kẻ tù đày mất xác chốn rừng hoang,
Kẻ biển Đông gặp số kiếp phũ phàng,
Kẻ vuợt thoát lang thang nhờ đất khách.

Vẹm bắt chước Tần Thủy Hoàng đốt sách,
Bày đủ trò để bách hại lương dân,
Áp đặt lên một chủ nghĩa phi nhân,
Một chế độ vô luân và khắc bạc.

Vì mắc nợ quan thầy Tàu gian ác,
Chúng đang tâm hèn nhát bán non sông,
Dân mình ngay trên mảnh đất cha ông
Đành cam phận lưu vong không xứ sở.

Dân hết đường xoay xở,
Tranh giành nhau đi ở đợ khắp phương,
Mặc xác hồn, danh tiết bị tổn thương,
Miễn thoát khỏi chốn "thiên đường" cơ cực.

Thật chua xót thay cho nền đạo đức
Mà tổ tiên đã gắng sức vun bồi,
Nhân phẩm nay thành khái niệm lỗi thời,
Lương tâm cũng từ lâu thôi tồn tại.

Khi xã hội đã hoàn toàn băng hoại,
Thì tiền đồ cũng sẽ mãi tiêu tan,
Đạo đức là nền tảng của giang san,
Một khi mất, ngày tàn đà kế cận.
                          x
                     x        x
Tháng Tư đến, nhớ về ngày Quốc Hận,
Nghe bi thương lẫn căm phẫn chất chồng,
Buồn thấy người xưa thề thốt biển Đông,
Nay phủ gấm về rong chơi lũ lượt.

Hỡi trăm triệu người dân còn trong nước,
Nếu thật tâm muốn cứu được quê nhà,
Thì chính mình phải đổ máu xương ra,
Đừng trông đợi cái gọi là "quốc tế".

Họ ích kỷ lại tham hèn vô kể,
Nên Cộng nô với đồ tể Nga Tàu,
Bấy lâu nay tội ác đã ngập đầu,
Chẳng ai dám nói một câu hơn thiệt.

Dịch Vũ Hán chóng chầy rồi sẽ hết,
Dịch Ba Đình chẳng biết kiếp nào xong.
Chế độ này nếu không sớm tiêu vong,
Dòng giống Việt đừng mong còn chỗ đứng.

Nhìn dân tình hờ hững,
Buồn biết ngày diệt chủng chẳng còn xa.
                   Trần Văn Lương
         Cali, đầu mùa Quốc Hận 2020