Cái vấn đề quan trọng nhất trong nước ta hiện nay là cái vấn đề văn quốc ngữ. Cái vấn đề ấy có giải quyết được thì sự học mới có thể tấn tới, dân trí mới có thể mở mang, cuộc tiến hóa sau này mới có thể mong mỏi được. Đến ngày chữ quốc ngữ dùng làm quốc văn được thì người nước Nam mới có thể thâu thái các khoa học mới mà gây được một nền học thích hợp với trình độ, với tinh thần dân ta. Đến ngày ấy thì nước ta mới phát biểu được tinh thần cốt cách của mình, tinh thần cốt cách ấy hiện nay còn mập mờ phảng phất như ảnh không hình vậy. Nói rút lại, văn quốc ngữ có phát đạt thì nền quốc học mới gây dựng được, mối tư tưởng mới mở mang được, quốc dân ta mới không đến nỗi chung kiếp đi học mướn viết nhờ như từ xưa đến nay vậy.
Trách lịch sử cũng không bổ ích gì, mà làm án tiền nhân lại là phạm tội bất hiếu. Vậy ta chẳng nên oán gì các cụ ta ngày xưa vì say đắm chữ tàu nên lãng bỏ tiếng nôm, để cho con cháu ngày nay khổ vì có nước mà không có văn, có người mà không có cách nói cho nhau nghe, ngoài những câu nhật dụng tầm thường. Ta chỉ nên xét hiện tình mà khuyên quốc dân chú ý vào một cái vấn đề rất là quan trọng cho cuộc tương lai nước nhà.
Hiện nay ai cũng rõ rằng chữ quốc ngữ là tiện lợi, so với chữ tây, chữ nho, học vừa dễ mà nhanh, nhưng cũng vì thế mà coi thường coi khinh, cho là không đáng công học, không biết rằng chữ quốc ngữ ấy chính là cái bè để cứu vớt bọn ta trong bể trầm luân vậy.
Ôi! Có nước mà không có tiếng nói, còn gì khổ bằng! Trong khi họp tập, năm ba anh em ngồi với nhau, bàn những chuyện thiết tha, kể những điều tâm sự, mà đương câu chuyện phải pha một hồi tiếng tây hay điểm mấy câu chữ tàu, thì cực biết bao nhiêu! Viết một bức thư là sẻ tấm lòng cho kẻ yêu người mến, nhời đi cảm tình cũng phải đi theo, thế mà diễn cái cảm tình ấy ra cũng không thể dùng được thứ tiếng nói bắt đầu học từ khi lọt lòng mẹ, thì thảm dường nào!
Ấy cái hiện tình như thế. Phàm những người có chí ai là người đoái nghĩ đến?
Những người nhiệt thành về tây học thì ước cho tiếng tây thông dụng cả trong nước, lấy tiếng Pháp mà thay vào tiếng ta, không những trong khi học hành mà đến cả trong khi chuyện trò bàn bạc nữa, không biết rằng sự "đổi óc" ấy là thuộc về nhẽ tự nhiên không bao giờ thành được. Dù có thể thành được nữa cũng lại là một sự không nên ước lắm. (...)
Đến những nhà cựu học thì tuy ngày nay không còn mấy nữa, nhưng còn người nào đều là giữ cái "yếm thế chủ nghĩa" cả. Trông thấy cái học cũ mỗi ngày một mòn mỏi đi, không thể cứu vớt được nữa, trong lòng những thương cùng nhớ, không hề xét đến tình thế tất nhiên, không hề nghĩ đến tiền đồ sự học, tựa hồ như quay mặt cả về ký vãng mà ngoảnh lưng lại với tương lai vậy. (...)
Như thế thì cả quốc dân không hề lưu tâm đến cái vấn đề tâm huyết, là cái vấn đề chữ quốc ngữ, cả quốc dân không hề tự hỏi: một nước có thể không có quốc văn được không? Một nước muốn mưu sự sinh tồn tìm đường phát đạt, có thể đời đời học mướn viết nhờ mãi được không? (...)
Phạm Quỳnh (1892-1945)
(Văn quốc ngữ — Nam Phong, số 2 tháng Tám, 1917)
Lời bàn "tiếng Việt"
Tiếng nói của một dân tộc phản ánh lịch sử và xã hội của dân tộc đó.
Công trình của Phạm Quỳnh là đã "luyện cho tiếng ta có thể diễn dịch được các lý thuyết, các ý tưởng về triết học, khoa học mới." (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).
Tiếp theo Phạm Quỳnh (cùng những học giả tiên phong như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh...) là phái Tự Lực Văn Đoàn và phong trào Thơ mới (1930-1945). "Phái ấy (Tự Lực Văn Đoàn) lại có công trong việc làm cho văn quốc ngữ trở nên sáng sủa, bình giản, khiến cho nhiều người thích đọc." (Dương Quảng Hàm, Việt Nam văn học sử yếu, 1941).
Từ 1945 đến 1975, tiếng Việt biến hóa theo hai hướng khác nhau. Miền Bắc chịu ảnh hưởng trực tiếp của nền chính trị tuân theo ý thức hệ Mác-xít. Còn miền Nam, trái lại, phát triển theo con đường tự do dân chủ.
Trong thời kỳ này, rõ rệt nhất là từ năm 1954 (sau ngày đất nước bị chia đôi), mặc dù nước Việt Nam Cộng Hòa ở miền Nam luôn luôn bị chế độ miền Bắc xâm lấn lũng đoạn, cho tới khi thua trận hoàn toàn năm 1975, nền văn học nghệ thuật miền Nam đã tỏ ra phong phú và đầy nhân bản. Trong suốt thời gian đó, nhân dân miền Bắc hoàn toàn bị bưng bít trong một chế độ độc đảng chuyên chế.
Chế độ chuyên chế này xâm nhập khắp cõi nước non kể từ 1975, tiếng nói người Việt từ đó thay đổi rất nhiều, với những đặc điểm như sau.
- Hàng loạt những từ 100% tiếng Hoa rập khuôn chuyên chế xã hội chủ nghĩa Trung Quốc (thí dụ: xử lý, cải tạo, đăng ký, hộ khẩu) hoặc có chiều hướng đồng hóa tiếng Việt với tiếng Hoa (thí dụ: X-quang, bức xúc, sự cố). Rất nhiều từ ngữ chính thức nhà nước dùng trong pháp luật, nghị định, hiến pháp, kinh tế... chỉ là những khẩu hiệu tuyên truyền, trở thành những sáo ngữ rỗng nghĩa hoàn toàn. Thí dụ: dân chủ, đồng chí, chỉ tiêu, pháp quyền, cách mạng, nhân văn, văn minh, tiến bộ.
- Hàng loạt những từ tạp chế từ những [thành phần tiếng Hoa] hoặc [không phải tiếng Hoa] xuất hiện rất bừa bãi (thí dụ: cẩu tặc, da liễu, bếp trưởng).
- Rất nhiều từ ngữ cũ mang thêm những ý nghĩa mới, thường là nghĩa xấu (thí dụ: đại gia, chân dài, cơm trắng). Chúng nói lên sự đổ vỡ suy sụp về mọi mặt của xã hội Việt Nam.
- Sự xuất hiện của nhiều từ mới tạo: Không kể những từ mới tạo để đáp ứng nhu cầu tiến bộ về khoa học kỹ thuật, người ta còn nhận thấy đẻ ra nhiều từ hoặc thành ngữ rất kì lạ, không tuân theo một ngữ pháp hoặc chủ ý nào rõ rệt. Thí dụ: hiện tượng ngôn ngữ "sát thủ đầu mưng mủ" xuất hiện mấy năm vừa qua (đã bị nhà nước cấm đoán, nhưng hiện vẫn còn tìm đọc được sách ở đây).
"Tiếng Việt 1975" biểu hiện những biến chuyển về lịch sử và xã hội của người dân Việt ngày nay như thế đó.
Aucun commentaire:
Enregistrer un commentaire
Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.