Rechercher dans ce blog

dimanche 1 juillet 2012

đại gia


"Đại gia" có nhiều nghĩa, nhưng thường được dùng theo một trong hai nghĩa sau đây:
  1. Nhà quyền quý, thế gia vọng tộc.
  2. Bậc chuyên gia, tác gia nổi tiếng. Chẳng hạn, "bát đại gia 八大家" chỉ tám nhà văn học nổi tiếng nhất Trung Hoa gồm: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên (đời Đường), Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch và Tăng Củng (đời Tống).
Trong bài "Những chiếc ấm đất" (Vang Bóng Một Thời) của Nguyễn Tuân, có đoạn sau đây:

"Ngày xưa, có một tên ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho gặp mặt được chủ nhân rồi có gì thì hắn mới xin. Có một hắn lần vào đến nhà giữa một nhà phú hộ kia giữa lúc chủ nhân cùng một vài quý khách đang ngồi uống trà buổi sớm."
 
Ngày nay, "đại gia" đã đổi nghĩa hoàn toàn: nghĩa là người có rất nhiều tiền và lắm quyền thế; người này lại thường được coi là dám ăn chơi, tiêu xài thả cửa, nhiều khi không cần đếm xỉa gì tới lễ nghĩa đạo đức.

Xem mấy câu thí dụ dưới đây đủ rõ:
  • Dù bận rộn với công việc kiếm tiền nhưng giới đại gia không quên "thả hồn vào thiên nhiên" tại những khu nghỉ mát sang trọng và thơ mộng.
  • Mối quan hệ phức tạp, lắm thị phi của kiều nữ trong giới showbiz và đại gia đã được đưa lên màn ảnh nhỏ trong bộ phim "Kẻ dối trá chân tình".
  • Với bộ sưu tập cả trăm chiếc xe độc đáo "từ cổ chí kim" đáng giá đến chục tỷ, Ngô Thanh Liêm được giới chơi xe ngưỡng mộ đặt biệt danh “đại gia xe".
  • Đối với nhiều chân dài, lấy được đại gia là coi như yên tâm về cuộc đời mình, coi như từ đây chỉ có ăn ngon mặc đẹp cho khỏi phí nhan sắc trời cho.




Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.