Rechercher dans ce blog

vendredi 22 novembre 2013

tần thân


Đi tu thứ nhất ở chùa,
Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang.
Dược Sư thơ mộng vô vàn,
Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.

Đọc thơ Bùi Giáng nhiều bài hay lạ lùng, nhưng thường khi cũng lấy làm khó hiểu. Một trong những lí do chính là vì có rất nhiều từ chữ Hán, đặc biệt là thuật ngữ Phật giáo, trong thơ Bùi Giáng.

Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển:
tần thân 頻呻: ngáp dài, duỗi lưng, ngả lưng (vì buồn ngủ, vì mỏi mệt).

Trong bài "Thụy giác 睡覺" của Bạch Cư Dị có hai câu như sau:

Chuyển chẩm tần thân thư trướng hạ,
Phi cừu ki cứ hỏa lô tiền.

轉枕頻伸書帳下, 披裘箕踞火爐前。

Nghĩa là: Trở gối ngáp dài dưới màn trong phòng sách, Khoác áo da ngồi duỗi chân trước lò sưởi.

Như vậy, hai câu cuối trong bài thơ của Bùi Giáng có thể hiểu như sau: Nơi ngôi chùa Dược Sư (ở Việt Nam) vô cùng thơ mộng ấy, Nỗi buồn bay vút lên tận tầng mây trên núi cao, Trung Niên thi sĩ vươn vai ngáp dài một cái.

Không hẳn là vô nghĩa lí. Câu thơ mang âm hưởng Huy Cận mà Bùi Giáng đôi lần nhắc đến trong các tác phẩm của ông:

Thâu qua cái ngáp dài vô tận. 
Hình ảnh lung linh vũ trụ tàn.

sư tử tần thân
Trong kinh sách Phật giáo còn có thuật ngữ: Sư tử tần thân tam muội 師子頻呻三昧  (Trí độ lun, Kinh Th Lăng Nghiêm). Câu này này tương đồng với thuật ngữ Sư tử phấn tấn tam muội 師子奮迅三昧 (Sanskrit: Simha-vijrmbhita-samadhi). "Đây là loại thiền định có uy lực lớn, giống như sức mạnh mẽ, nhanh nhẹn của sư tử, cho nên gọi là Sư tử phấn tấn tam-muội. Theo Hoa Nghiêm Kinh Pháp Giới Thứ Đệ quyển Trung thì Tam-muội này có thể chia làm hai loại: 1) Dứt trừ các lậu hoặc vô tri nhỏ nhiệm. 2) Xuất nhập Tam-muội cực kì nhanh chóng." (*)

Có lẽ phải đọc bốn câu thơ của Bùi Giáng như một bài kệ Phật giáo.














1 commentaire:

  1. (...)
    Ông "Giàng Búi" này có phong cách của một Thiền sư tựa như Tô Đông Pha trong 4 câu thơ của ông.

    Thế gian có câu: Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa.

    Hành giả Phật giáo bắt đầu nhập Đạo từ tu chùa để giác ngộ sau đó thõng tay vào chợ để hoằng hoá độ sinh, tức là lang thang khắp ngõ thị thành gieo duyên giác ngộ cho người, ông thể hiện 2 câu đầu:

    Đi tu thứ nhất ở chùa,
    Thứ nhì ở tận cuối mùa lang thang.

    Khi nói đến độ sinh phải nói đến bệnh của chúng sinh, vì chúng sinh bệnh nên mới có thầy thuốc chữa bệnh, Dược sư Phật là Pháp Y Vương trong Phật giáo đại thừa, đại khái Pháp Phật mới chữa lành tận gốc mọi căn bệnh của chúng sinh, có thể hiểu Thiền sư đem Pháp Phật giáo hoá chúng sinh một cách nhẹ nhàng thơ mộng như ngắm cảnh trần gian không nhơ không sạch rất là thú vị vì thiền sư đã giác ngộ thực tánh của các Pháp là trống không vắng lặng như hư không , do đó nỗi sầu do bi tâm mà phát sinh khi nhìn chúng sinh khổ vì bệnh (bệnh vô minh), nỗi sầu vun vút như mây trời ấy làm động lực để hành giả lên đường lang thang góc bể chân trời dù cho đôi lúc có vươn vai ngáp dài một cái, con đường độ sinh có lúc mệt mỏi phải vươn vai ngáp dài nhưng chỉ là cái ngáp trong thiền ngữ "đói ăn khát uống mệt ngủ khì" an nhiên tự tại của người giác ngộ Thiền định ngay trong đi đứng nằm ngồi thảy đều là thiền:

    Dược Sư thơ mộng vô vàn,
    Sầu lên vút tận mây ngàn tần thân.

    (...) Phải đọc và tìm hiểu đây là một bài kệ theo tinh thần Phật giáo, sự tự độ độ tha giác hạnh viên mãn.

    L-V Th

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.