Rechercher dans ce blog

jeudi 21 janvier 2021

lại nói tốt, vẫn làm tốt

 

(2014/02/14)

Mấy hôm nay người ta chuyển cho nhau xem trên mạng Internet một bản tin về một phụ nữ gốc Việt, làm xướng ngôn viên tin tức đài truyền hình NBC, vừa đoạt giải hoa hậu tiểu bang Nebraska ở Hoa Kì. Bản tin (*) ngắn, phần chính là những bức ảnh chụp, kèm theo mấy câu dẫn giải.

Đọc đến câu: "Theo thông tin trên kênh NBC, Hoang-Kim Cung nói tiếng Việt rất tốt và cô thường thích hát những bài hát Việt Nam trong các sự kiện cộng đồng", tôi khựng lại ngay ở mấy chữ tô đỏ.

Một bức hí họa xem mấy chục năm về trước vụt hiện ra trong đầu:


ThầyNoi khong dau moi la noi tot (Nói không dấu mới là nói tốt).
TròThe sao thay mang dau lam gi (Thế sao thầy mang dâu (= râu) làm  gì)?


Bức tranh, tôi nguệch ngoạc vẽ lại theo trí nhớ. Nhưng hai câu nói, vẫn còn như in trong óc.


Bối cảnh bức hí họa là cuộc tranh luận vào những năm 1945-1954 về việc nên đánh dấu chữ viết (sắc/huyền/hỏi/ngã/nặng) như người ta vẫn quen thuộc, hoặc nên thay bằng vài kí hiệu thêm vào phía sau mỗi chữ, chẳng hạn: s = dấu sắc, h = dấu huyền, n = dấu ngã... (nguyên tắc đại khái như vậy). Vấn đề đem ra thảo luận, hình như là vì máy đánh chữ vừa mới được đem vào Việt Nam thời bấy giờ, và người ta lúng túng không biết phải gõ dấu chữ Việt ra sao. Sự việc cũng tương tự như thời kì 1980-1990 không biết cách gõ tiếng Việt có dấu trên máy điện toán.


Nhưng điều làm tôi khựng lại khi đọc bản tin trên đây, thực ra là ở hai chữ "nói tốt". Nghe thật nghèo nàn, èo uột nếu không bảo là ngô nghê, dốt nát.


Tôi vẫn tự hỏi: Cái lối nói: "học tốt", "làm tốt", "lao động tốt"... không biết xuất hiện từ bao giờ? Có người đưa ra ý kiến này có vẻ hợp lí: Chữ "tốt" đó là do các cán bộ Việt Minh viết những khẩu hiệu tuyên truyền, bắt chước thực dân Pháp hay nói trên cửa miệng: "Bon bon", "C'est bon", "Très bien", v.v.


(2021/01/22 viết thêm)
Đọc tin tức báo chí Tàu bây giờ, thấy rất nhiều 2 chữ "tố hảo" 做好, "tố hảo" 做好... Làm tốt, làm tốt...  Ôi thôi, vênh vang đánh Pháp, đuổi Mĩ... rốt cục cũng chỉ rúc cột lòn trôn từ Mao đến Tập mà thôi. (xong đoạn viết thêm)


Cùng với sự áp đặt cách nói/viết rập khuôn tiếng Tàu từ 1975 trên khắp đất nước Việt Nam, cái lối nói/viết èo uột nghèo nàn "tốt tốt" như trên sẽ tồn tại tới bao giờ?

Tiếng nói đâu phải chuyện tầm thường. Cả một truyền thống văn hóa, thần trí dân tộc hiển hiện ra ở đó. Tiền đồ đen tối hay sáng sủa là ở trong tiếng nói người dân.



Chú thích:
(*) http://alobacsi.com/thoi-su/mc-goc-viet-chien-thang-hoa-hau-tieu-bang-o-my-a2014112406484782c160.htm









Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.