Rechercher dans ce blog

mardi 29 décembre 2015

nhân đọc hai chữ "triều cường", suy nghĩ về cách tạo từ mới trong tiếng Việt



Hôm qua có người gửi cho xem bản tin mới trên trang báo web www.nguoi-viet.com (1):

Cuối năm, dân Sài Gòn lại khốn khổ vì ‘triều cường’
Saturday, December 12, 2015 5:29:20 PM

Lần đầu mới đọc tới hai chữ "triều cường". Nhưng xem nhan đề bài báo và tấm hình kèm theo thì ai cũng hiểu ngay ý nghĩa hai chữ này rồi: chuyện nước lụt đây thôi.



Vì những biến thái "không bình thường" nhận thấy trong tiếng Việt, nhất là từ 1975 trở đi, thử tìm xem hai chữ này từ đâu đẻ ra.

Hai chữ "triều cường" không tìm thấy trong những từ điển tiếng Việt nào cả. May thay, mở đầu bản tin trên, người viết báo đã giải thích như sau: “Triều cường” là tên mà nhà cầm quyền và người dân dùng để gọi hiện tượng nước thủy triều từ biển đổ ngược lại các con sông khiến mực nước dâng cao bất thường gây cảnh lụt lội.

Giải thích này (chưa được chính xác cho lắm) giúp người đọc hiểu nghĩa một từ mới, nhưng không cho biết cách cấu tạo từ đó ra sao.

Vấn đề tạo từ mới trong tiếng Việt, lâu nay vẫn chưa có giải pháp dứt khoát.

Thường thường, cấu tạo một từ mới là để diễn đạt một khái niệm mới về: khoa học, kĩ thuật, kinh tế, nhân văn, v.v.

Cấu trúc của hai chữ "triều cường" tuân theo một trong hai cách thường dùng (*) để tạo chữ mới trong tiếng Việt, đó là:
a) mượn y hệt Hán ngữ, hoặc
b) viết lại Hán ngữ theo ngữ pháp tiếng Việt.

(*) chú ý: nhưng còn có nhiều cách khác nữa.

Theo cách thứ nhất, thì ta viết: "quốc gia", "chính quyền", "dân chủ", "độc lập", "tự do", v.v. Nghĩa là giống hệt như chữ Hán; cái khác nhau chỉ ở kí hiệu dùng viết chữ và âm đọc. Chẳng hạn: tiếng Việt "dân chủ", tiếng Hoa 民主 (mín zhǔ).

Theo cách thứ hai, chẳng hạn, trong tiếng Việt có những từ như: "thủy triều", "thạch tín", "điện thoại di động", v.v. Trong khi đó người Tàu viết: "triều thủy" 潮水, "tín thạch" 信石, "di động điện thoại" 移動電話, v.v.

Cũng như vậy, theo cách thứ hai, từ tiếng Việt "triều cường" (có lẽ) đẻ ra từ tiếng Tàu "cường triều" 強潮.

Chính hai chữ Hán "cường triều" 強潮 này cũng không tìm thấy trong những từ điển Hán ngữ thông dụng, chứng tỏ đây cũng là một từ chuyên môn (về khí tượng) mới xuất hiện từ khoảng hai chục năm nay, có lẽ do nhu cầu mới về vấn đề "khí hậu biến đổi" (changement climatique) (2) trên trái đất, đã và đang gây ra thiên tai lụt lội, bãi biển bị chìm lún, v.v. khắp nơi trên thế giới (3).

"cường triều" 強潮

Đến đây, người ta tự hỏi tại sao không tìm cách nói dễ hiểu hơn một chút cho người dân Việt, thay vì cứ một mực chạy theo tiếng Tàu?

Chẳng hạn, về hai chữ "tham quan", năm 2009, đã có người đặt câu hỏi trên mạng Internet: "Thăm quan" hay "tham quan"? Khi cả đoàn đi du lịch, thăm viếng đâu đó thì ghi lên xe dòng chữ, ví dụ: "Đoàn tham quan thủ đô". Vậy gọi là "thăm quan" có được không? Còn ghi như câu này người ta cứ nghĩ là: "Đoàn quan tham thủ đô!" (4)

Cũng thế, trên trang https://vn.answers.yahoo.com còn có câu hỏi sau đây: "Triều cường là gì vậy ta?" (5)

 
Nhân đây, xin nói thêm về mấy vấn đề tạo từ mới trong tiếng Việt ngày nay.

Người ta nhận thấy có rất nhiều "từ mới" theo cách thứ nhất trên đây — nghĩa là mượn y hệt Hán ngữ, đem áp đặt vào trong tiếng nói người dân kể từ 1975.

Có 2 trường hợp chính sau đây:

a) hoặc là những "từ mới" này bức bách thay thế những từ ngữ tương đương có sẵn ở miền Nam cũ. Thí dụ: "ca từ" thay cho "lời ca", "đăng kí" thay cho "ghi tên", "ghi vào sổ"..., "X-quang" thay cho "quang tuyến X" (người miền Nam thường nói nôm na hơn nữa: "rọi kiếng"). Làm như vậy, thử hỏi có ích gì cho dân? Nếu không chỉ là một cách xóa bỏ "tàn dư" của chế độ cũ.

b) hoặc để củng cố chế độ "mới" (40 năm rồi!), Nhà nước Việt Nam đã rập khuôn theo cộng sản Trung Quốc và áp đặt những từ ngữ "chết người", như: hộ khẩu, cải tạo, xã hội chủ nghĩa, v.v.





Chú thích:

(1) http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/viewarticlesNVO.aspx?articleid=219069&zoneid=310
(2) http://www.cop21paris.org/a-propos/cop21
(3) http://www.chinabaike.com/article/316/334/2007/2007022054353.html
(4) http://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20091112015250AAvZm1x
(5) https://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20081119184703AAM0SOq














1 commentaire:

  1. Tiếng Việt Nam có hai ba chữ để chỉ mực nước Thuỷ triều) lên xuống: nước lớn, nước đứng và nước ròng. "Triều cường" theo Wikipedia:
    ---
    Mặt trời cũng có ảnh hưởng trên lực sinh ra thủy triều, tuy rằng lực hấp dẫn của mặt trời nhỏ hơn của Mặt Trăng, nhưng khi cả ba thiên thể thẳng hàng (Trái Đất không nằm giữa) thì lực tạo thủy triều sẽ lớn hay còn gọi là triều cường vì là tổng của hai lực hấp dẫn Mặt Trời và Mặt Trăng thay vì chỉ có một lực hấp dẫn của Trăng như thông thường. Nhưng nếu mặt trời thẳng hàng với Mặt Trăng ngay trên vùng xích đạo, thì thủy triều lớn tối đa.
    --
    Triều cường dùng để mô tả tình trạng nước không thoát vì nghẹt cống rãnh thì chỉ có xứ CHXHCN Việt Nam hiện đại đang dùng.

    xobs hdc

    RépondreSupprimer

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.