Rechercher dans ce blog

lundi 30 avril 2012

phần mềm

Hai chữ "phần mềm" được dùng rất phổ biến ở Việt Nam hiện nay, dịch từ tiếng Anh software. Chữ software này từ đầu do người Mỹ đặt ra rất có ý nghĩa, để đi đôi với hardware, chỉ phần vật chất, máy móc của máy tính điện tử.

Người Pháp dịch rất hay sang tiếng của họ: hardware thành matériel, software thành logiciel (mới đây thôi, từ năm 1970, theo tự điển Robert). Dịch hay ở chỗ là chữ logiciel bày tỏ được ý nghĩa nguyên thủy, đồng thời giữ được tinh thần bản sắc tiếng Pháp. Thực vậy, logiciel lấy gốc từ chữ Hy Lạp logos, có nghĩa là raison, mang ý nghĩa lý trí, lý luận, v.v.

Hai chữ "phần mềm" vẫn bị số đông người khó chấp nhận, nhiều khi đem ra chế giễu "phần cứng, phần mềm".

Một từ khác là "nhu liệu" cũng được sử dụng khá nhiều ở hải ngoại. Nhà văn quá cố Đoàn Đức Nhân có lần đề nghị dịch là "tinh toán", đi đôi với "điện toán". Tiếc rằng ít người nghe nói đến.




ấn tượng

Ấn tượng, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh: Cái hình tượng do ngũ quan cảm xúc mà còn in vào óc (impression). 

Thí dụ: Bức tranh đã gây một ấn tượng sâu sắc.
Claude Monet, Impression, soleil levant, 1872
Trong những năm gần đây, người ta nhận thấy từ "ấn tượng" xuất hiện tràn ngập trong những câu nói hằng ngày, đầy dẫy trên báo chí.

Xin đưa ra vài thí dụ:

  • Nước Mỹ nổi tiếng với những cảnh quan thiên nhiên rất đẹp và hùng vĩ. Dưới đây là mười công viên quốc gia lớn và ấn tượng nhất ở Mỹ.
  • Giá vàng có tuần tăng ấn tượng nhất trong hai tháng.
  • Phu nhân Tổng thống Singapore ấn tượng với gốm sứ Việt... 

Tôi có cảm tưởng nghe hoặc đọc tiếng Pháp! Vấn đề là trong tiếng Pháp, có sự phân biệt rõ ràng giữa danh từ (impression), động từ (impressionner) và hình dung từ (impressionnant).

Thành thử, khi người Pháp nói: "C'est un résultat tout à fait impressionnant" thì tự nhiên người ta hiểu "impressionnant" theo nghĩa "remarquable". Trong khi nghe câu tiếng Việt: "Dưới đây là mười công viên quốc gia lớn và ấn tượng nhất ở Mỹ" thì hơi chối tai và có phần không đúng văn phạm tiếng Việt.

Thay vì viết: "Giá vàng có tuần tăng ấn tượng nhất trong hai tháng", sao không viết: "Giá vàng có tuần tăng đáng kể nhất trong hai tháng" cho dễ hiểu hơn không.

Trong câu: "Phu nhân Tổng thống Singapore ấn tượng với gốm sứ Việt..." cũng vậy. Hai chữ "ấn tượng" ở đây là động từ dùng theo thể thụ động (verbe "impressionnée", forme passive). Văn phạm Việt ngữ không quen như thế. Có lẽ viết như sau thì câu văn tiếng Việt tự nhiên và sáng sủa hơn: "Phu nhân Tổng thống Singapore đã có một ấn tượng sâu sắc về (nghệ thuật và phẩm chất) đồ gốm sứ Việt Nam...".


 




dimanche 29 avril 2012

xử lý


"Ông XYZ, Phó Hiệu trưởng Trường UVW (quận BT), phân tích rằng nếu nói thiếu kỹ năng sống thì hơi oan nhưng quả thực là đội ngũ giáo viên đang rất cần bổ sung kỹ năng giao tiếp và xử lý tình huống sư phạm."

Tạm thời bỏ qua một bên những nhóm chữ "kỹ năng sống" và "kỹ năng giao tiếp", chỉ tìm hiểu từ "xử lý" trong câu có ý nghĩa gì.

Nhớ ở miền Nam, trước 1975, hầu như không thấy dùng từ "xử lý". Từ tháng tư 1975, từ này bỗng nhiên ồ ạt xuất hiện, làm kinh hoàng dân chúng, vì trong thời khoảng đó, hai chữ này thường mang ý nghĩa "xử phạt", "trừng trị".

Nhưng dần dà, nghe ra rả và đọc thấy khắp nơi hai chữ đó: 

  • Chẩn đoán và xử lý sự cố từ phía Phần bổ trợ hay phần Giao diện. 
  • Xử lý ảnh: Adobe Photoshop CS5 đang gây sự chú ý đặc biệt trong cộng đồng người sử dụng bởi nhờ một số tính năng mới, các bước chỉnh sửa ảnh phức tạp và mất nhiều thời gian... 
  • Xử lý nước giếng khoan gia đình.
  • Xử lý chất thải.
  • Tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém.
  • Xử lý thuốc cam nhiễm chì chưa hiệu quả.
  • Sẽ không xử lý mạnh nữ sinh đánh bạn tại công viên Tuổi trẻ.
  • Xe Nissan sẽ được tích hợp bộ vi xử lý của Intel.
  • Xử lý tivi có tiếng xèo xèo.
  • Xử lý đơn khiếu nại tố cáo.
  • V.v.

Trên một diễn đàn cựu học sinh trường Chu Văn An, nhiều bạn cũ, nay ở hải ngoại, than thở sao mà cái gì cũng bị xử lý thế này. Một bạn ở trong nước góp ý kiến là dùng riết rồi quen, có sao đâu.

Thực ra, từ "xử lý" đã bị áp đặt quá mức trong ngôn ngữ Việt Nam.

Từ này rõ ràng vay mượn của Hán ngữ. Theo Hán Ngữ Đại Từ Điển và Quốc Ngữ Từ Điển của Bộ Giáo Dục Đài Loan, "xử lý" cũng mang nhiều ý nghĩa phức tạp không kém: bạn lí, quản lí, giải quyết, trị lí, xử phân, xử trí, định hình, xử phạt, trừng trị, đối phó, ứng phó, quyết đoán, v.v.

Bây giờ nhớ lại, hồi trước 1975, người dân miền Nam không dùng một từ quá bao quát và tối nghĩa như thế. Mà tùy theo trường hợp, chọn lấy một từ rõ ràng thích đáng hơn.

Như vậy, trở lại câu trích dẫn ở đầu bài, thay vì viết:
"... xử lý tình huống sư phạm",
ta có thể viết:
"... đối phó với tình huống sư phạm".

Cũng vậy, trong những thí dụ ghi trên, thay vì viết:
"Sẽ không xử lý mạnh nữ sinh đánh bạn tại công viên..."
 ta có thể viết:
"Sẽ không trừng phạt nặng nữ sinh đánh bạn tại công viên...".

Thay vì viết:
"Xử lý đơn khiếu nại tố cáo"
 ta có thể viết:
"Xét đơn khiếu nại tố cáo".