Rechercher dans ce blog

jeudi 19 mars 2020

Thái Thanh



Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời người ơi!
Mẹ hiền ru những câu xa vời.
À à ơi! Tiếng ru muôn đời.

Tiếng nước tôi! Bốn ngàn năm ròng rã buồn vui.
Khóc cười theo mệnh nước nổi trôi, nước ơi!
Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi.
Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!

Tôi yêu tiếng ngang trời.
Những câu hò giận hờn không nguôi!
Nhớ nhung hoài mảnh tình xa xôi.
Vững tin vào mộng đẹp ngày mai.

Một yêu câu hát Truyện Kiều.
Lẳng lơ như tiếng sáo diều ư diều làng ta.
Và yêu cô gái bên nhà.
Miệng xinh ăn nói mặn mà ừ mà có duyên.

Tôi yêu đất nước tôi, nằm phơi phới bên bờ biển xanh.
Ruộng đồng vun sóng ra Thái Bình.
Nhìn trùng dương hát câu no lành.

Đất nước tôi! Dẫy Trường Sơn ẩn bóng hoàng hôn.
Đất miền Tây chờ sức người vươn, đất ơi!
Đất nước tôi! Núi rừng cao miền Bắc lửa thiêng.
Lúa miền Nam chờ gió mùa lên, lúa ơi!

Tôi yêu những sông trường.
Biết ái tình ở dòng sông Hương.
Sống no đầy là nhờ Cửu Long,
Máu sông Hồng đỏ vì chờ mong.

Người yêu thế giới mịt mùng.
Cùng tôi ôm ấp ruộng đồng ư đồng Việt Nam.
Làm sao chắp cánh chim ngàn
Nhìn Trung, Nam, Bắc kết hàng là hàng mến nhau.

Tôi yêu bác nông phu, đội sương nắng bên bờ ruộng sâu.
Vài ngàn năm đứng trên đất nghèo.
Mình đồng da sắt không phai màu.

Tấm áo nâu! Những mẹ quê chỉ biết cần lao.
Những trẻ quê bạn với đàn trâu, bé ơi!
Tấm áo nâu! Rướn mình đi từ cõi rừng cao.
Dắt dìu nhau vào đến Cà Mau, áo ơi!

Tôi yêu biết bao người
Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa.
Những anh hùng của thời xa xưa.
Những anh hùng của một ngày mai.

Vì yêu, yêu nước, yêu nòi
Ngày Xuân tôi hát nên bài ư bài Tình Ca.
Ruộng xanh tươi tốt quê nhà.
Lòng tôi đã nở như là ừ là đóa hoa.











lundi 9 mars 2020

@trí khôn nhân tạo


Hôm nọ, viết trang blog "big data", tôi đã tò mò tìm xem "artificial intelligence", trong tiếng Việt bây giờ gọi làm sao. 

Anh bạn HA@huediepchi.com mới nhắc là "trí tuệ nhân tạo" (1). 
Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng 人工智能" (2).

Ờ, ờ... đứng riêng về mặt ngôn ngữ, dịch "intelligence" thành "trí tuệ", "trí năng", ..., thì cũng chẳng có gì phải nói.

Tuy nhiên, cứ nhớ tới những câu "đao to búa lớn" nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhai nhải từ mấy chục năm nay, theo kiểu "đỉnh cao trí tuệ" chẳng hạn, lại chỉ muốn văng tục!


Cách đây ba chục năm, kĩ thuật "artificial intelligence" còn ở thời kì phôi thai, nhân đang tập viết lí trình (software, logiciel) bằng ngôn ngữ điện toán mới ra đời lúc đó, chuyên về "artificial intelligence" (ngôn ngữ Prolog của trường Đại Học Edinburgh) và đúng khi vừa đọc qua một truyện cổ tích Việt Nam (trong bộ "Raconte-moi des histoires" dành cho học sinh tiểu học) (4) (5), tôi mới nảy ra ý đề nghị dịch "artificial intelligence" là "túi khôn nhân tạo".

Truyện kể đại khái về nguồn gốc tại sao con cọp lại có vằn đen trên lưng vàng. Xin tóm lược như sau:

Một hôm, ngài chúa sơn lâm, đi ra ngoài rừng, mon men đến một bờ ruộng. Cọp lại gần một con trâu đang nằm nghỉ trưa, miệng ngẫm nghĩ nhai lại bữa ăn chưa tiêu hóa xong:
— Này bác trâu, trông bác to lớn bệ vệ thế, mà sao lại chịu cho cái thằng người nhà quê bé choắt sai bảo làm lụng cực nhọc như vậy?
Con trâu nuốt vô bụng mớ cỏ đã nhuyễn, vừa cười vừa chậm rãi trả lời cọp:
— Hì hì, vâng, bác nói phải lắm. Có điều thằng người bé con như thế, nhưng nó có cái Khôn, bác ạ!
— Cái khôn gì, khôn liềng vậy hả?
— Vâng, cái Khôn của hắn lợi hại lắm. Chẳng riêng gì tôi, mà các loài vật khác, đều chịu lép một bề cả.
Cọp ta lấy làm lạ, bèn bảo trâu về xin với chủ nó cho gặp mặt cọp hôm sau. Cọp thầm nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy cho bằng được cái Khôn gì đó của người nhà quê.
Hôm sau, cọp đợi sẵn bác nông phu bên bờ ruộng. Lúc người nhà quê vừa bước tới, cọp đã vội vàng lên tiếng:
— Này ông làm ruộng, ông có thể cho tôi xin một chút "cái khôn gì đó" hay không?
Người nhà quê trả lời:
— Ồ, có gì đâu. Chỉ là tôi không có sẵn đây, chứ nào tôi có tiếc gì với bác Hổ.
— Làm sao bây giờ?
Người nông phu mới nói:
— Vâng, tôi sẵn sàng về nhà lấy túi Khôn chia lại cho bác. Nhưng chỉ e bác ở đây ăn thịt con trâu của tôi, thì tôi còn gì làm ăn sinh sống nữa?
Con cọp mừng quá, nói:
— Ồ, không sao đâu. Bác cứ buộc tôi vào gốc cây kia. Tôi đợi ở đấy, không thèm ăn thịt con trâu của bác đâu mà sợ.
Người nhà quê liền mở ra một cuộn dây thừng, trói chặt con hổ vào gốc cây, xong xuôi mới nói:
— Hà hà. Cái túi khôn của tôi đây.
Bác nông phu nắm một bó rơm, dí vào mình cọp châm lửa đốt cháy từ đầu tới đuôi.
Thương thay, con cọp bị nóng bỏng, gầm thét vang dội cả khu rừng. Sau cùng, nó vùng lên, bứt đứt hết cả cuộn thừng còn cháy dở, chạy một mạch vô rừng thẳm.
Con trâu xem cảnh tượng hổ ta khốn khổ như vậy, bò lăn ra đất mà cười, đến nỗi đập mũi vào một khối đá lớn, bẹp dí cái mũi, như người ta còn thấy dấu vết cho tới ngày nay.
https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
Riêng cọp ta, bị một trận kinh hồn lạc phách, toàn thân cháy xém. Đấy là nguyên do tại sao ngày nay, con hổ vẫn còn mang vằn đen trên mình vàng. Vằn đen là vết tích của cuộn thừng cháy dở đấy các bạn ạ.

Nhân đọc truyện cổ tích này, tôi thấy hai chữ "túi khôn" rất hợp với ý "artificial intelligence" ngày nay. Tục ngữ Việt Nam còn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". "Túi khôn" và "sàng khôn", ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, hôm nay nghĩ lại, thấy cái "túi" có vẻ mộc mạc vật chất quá, đổi là "trí khôn nhân tạo" có lẽ hay hơn.

Trong cuốn sách "21 bài học cho thế kỉ XXI" (6), nhà tư tưởng Yuval Noah Harari cho rằng tương lai loài người trong vũ trụ ngày càng chịu sự khống chế hoàn toàn của kĩ thuật sinh học và kĩ thuật tin học (tiếng Pháp: biotech, infotech).

Mà "artificial intelligence" là gì, nếu không phải là sự ứng dụng kĩ thuật điện toán viết quy tính (tiếng Pháp: algorithme)  kết hợp với khả năng tích trữ các dữ kiện khổng lồ (big data), càng ngày càng hiệu quả (7).

Trong khi đó, "đỉnh cao trí tuệ" là cái củ chi, mà nhân dân vẫn mãi sống trong vòng ngu tối, mất hết tự do, chẳng biết gì tới dân chủ, kinh tế thụt lùi, giáo dục đổ vỡ tan hoang?




Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo
(2) https://zh.wikipedia.org/wiki/人工智能
(3) https://ja.wikipedia.org/wiki/人工知能
(4) https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
(5) https://m.youtube.com/watch?v=IKppEEXIo4M
(6) 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.

(7) Coronavirus : « La méthode scientifique est le seul rempart contre l'hystérie », via @LePoint https://www.lepoint.fr/tiny/1-2366341


samedi 7 mars 2020

nghĩ về sự phá sản của XHCN Việt Nam



nhân đọc Báo cáo 13/02/2020 của Phòng Giáo dục & Đào tạo Đầm Dơi về việc xử lý  giáo viên nhà trường bán khẩu trang



Tờ báo cáo trên đây trích từ một bài báo (tháng 3 năm 2020) đăng trên Internet papersreader.com (1).

Tóm tắt bản tin

03/02/2020: Một thầy giáo mua được giá rẻ một hộp 50 khẩu trang, đem về trường "chia" lại cho mấy đứa học trò, được lời tổng cộng khoảng 8 000 đồng.
07/02/2020: Một phụ huynh viết đơn "tố cáo" giáo viên bán khẩu trang "giá cao".
08/02/2020: Nhà trường họp "xử lý vi phạm của ông Thanh". Thành viên cuộc họp có Ban Giám hiệu, Chủ tịch Công đoàn trường, Ban Thanh tra Nhân dân, Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư và thầy giáo Thanh.
12/02/2020: Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi và ban lãnh đạo "chỉ đạo" Phòng Giáo dục & Đào tạo huyện "kiểm điểm xử lý vụ việc trên".
13/02/2020: Phòng Giáo dục & Đào tạo báo cáo "Về việc xử lý giáo viên bán khẩu trang y tế không đúng giá quy định". 


Lời bàn "tiếng Việt"

Thoạt mới đọc bài báo, nghĩ đây chỉ là một tin vặt theo loại "chó bị xe nhà binh cán chết". Nhưng bỗng lấy làm lạ: sao lắm "bài bản", "báo cáo", "xử lý", "kiểm điểm" trịnh trọng như thế?

giáo viên bán khẩu trang
Coi con số 20 khẩu trang (thầy giáo Nguyễn Văn Thanh đem bán lấy lời) mà lấy làm thảm hại xót xa cho người giáo viên khốn khổ của đất nước Việt Nam. Tám ngàn đồng tiền lời, không đủ mua một ly trà đá. Hãy nhìn kĩ tấm hình chụp bàn họp ngày 08/02/2020 của Phòng Giáo dục & Đào tạo: có đủ 4 ly trà đá và 4 ly nước chanh đường (?).

phụ huynh viết đơn "tố cáo"
Tố cáo, vạch mặt, đấu tố... Người ta chưa quên Cuộc cải cách ruộng đất kinh hoàng năm 1956 ở miền Bắc. Không khỏi liên tưởng tới hệ thống chỉ điểm của Nhà nước Đông Đức (2) suốt thời kì lệ thuộc Liên Xô (1957-1989). Vào ngày sụp đổ của tổ chức này, số người chỉ điểm (fr. informateurs) lên tới 200 000. Ba chục năm sau, những người dân Đông Đức cũ vẫn còn khiếp hãi hệ thống này.

nhà trường họp xử lý
Ban Giám hiệu, Chủ tịch công đoàn, Ban Thanh tra Nhân dân và Giáo viên kiêm nhiệm Văn thư, bốn người họp "xử lý vi phạm" của thầy giáo Thanh.

lãnh đạo chỉ đạo kiểm điểm
Xin dịch từng chữ ra tiếng Việt cho dễ hiểu:
- lãnh đạo: ở đây là Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (tỉnh Cà Mau), tức là cấp trên của Phòng Giáo dục, ngày xưa gọi là Ông lớn.
chỉ đạo: nghĩa là chỉ đường dẫn lối, tức là Ông lớn muốn sai bảo, xài xể bộ hạ làm việc còn lôi thôi lắm.
kiểm điểm: coi lại từng li từng tí có sai sót gì không.
Dịch cả câu: "Ông lớn bảo với các chú hàng dưới phải coi lại làm việc đâu vào đó cho ra hồn nghe chưa!"

phòng Giáo dục báo cáo
báo cáo: cúi mình trình lên Ông lớn rằng chúng em làm việc như thế này, thế này đấy ạ...


Từ chuyện một giáo viên kiết đi bán 20 cái khẩu trang rẻ mạt kiếm chút tiền còm, bị một cha mẹ học trò tố cáo, cả một guồng máy nhiêu khê, vô tích sự, đùng đùng nổi lên, hùa nhau bắt nạt người thầy khốn khó. 


Ôi, không biết cái đất nước này còn khùng khùng điên điên như thế cho tới bao giờ?



Chú thích

(1) 2020 tháng 3: bản tin papersreader.com thầy giáo bán khẩu trang...
(2) STASI guồng máy công an chính trị Đông Đức (1957-1989)
https://www.histoire-pour-tous.fr/dossiers/3491-la-stasi-histoire-dune-police-politique-rda.html




mercredi 4 mars 2020

phụ lục: thầy giáo bán khẩu trang...



http://papersreader.com/thay-giao-ban-khau-trang-3-000-dong-cai-lai-duoc-8-nghin-ca-lanh-dao-tinh-vao-cuoc/?fbclid=IwAR2Dg9y4CV01-GeycMLCVwyrlxzNcNb1iPr3tEBvi5eYrpN6oboo2U__u3c

2020/03/04 Ghi chú quan trọng
“Trăm năm bia đá thì mòn, Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”
Xin chép nguyên văn trọn bài báo từ link trên đây. E rằng sau này họ có xóa mất bài báo, trang blog này còn giữ lại một chứng tích lịch sử dưới chế độ Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam hôm nay.


Thầy giáo bán khẩu trang 3.000 đồng/cái, lãi được 8 nghìn, cả lãnh đạo tỉnh vào cuộc?