Chèo lan nhàn bát thuở tà dương,
Một phút qua một lạ dường.
Đấy là hai câu mở đầu bài số 42 trong Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi (1380-1442). Vừa cổ kính vừa man mác âm hưởng riêng biệt của tiếng Việt dân ta.
"Chèo lan" gợi ra hai câu trong Tiền Xích Bích phú 前赤壁賦 của Tô Thức (1037-1101):
Quế trạo hề lan tưởng, Kích không minh hề tố lưu quang
桂棹兮蘭槳, 擊空明兮泝流光
Thung thăng thuyền quế chèo lan,
Theo vừng trăng sáng vượt làn nước trong (Phan Kế Bính dịch).
Nguyễn Trãi đỗ Thái Học Sinh (Tiến Sĩ) thời khoa cử nhà Hồ, viết hàng trăm bài thơ chữ Hán, cùng Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, trao đổi hàng chục bức chiến thư với các tướng lãnh nhà Minh. Ngay khi kháng chiến thành công, chính ông là người soạn nên bản hùng ca muôn thuở bằng chữ Hán Bình Ngô Đại Cáo. Ảnh hưởng sâu đậm của chữ Hán là điều hiển nhiên.
Ấy thế mà Nguyễn Trãi vẫn miên man làm ra 254 bài thơ viết bằng chữ Nôm, gửi gắm bao nhiêu thông điệp sâu xa cho các thế hệ mai sau: ngôn chí, mạn thuật, trần tình, tự thán, tự thuật, tức sự, v. v.
Chữ Nôm nói cho dễ hiểu, chủ yếu chẳng qua chỉ là một cách ghi âm tiếng Việt bằng những: nét viết, thành phần hoặc nhiều khi nguyên một chữ của <Hán tự>. Có điều là chữ viết này, vì nhiều điều kiện văn hóa lịch sử không thuận lợi, chưa phát triển đến mức ổn định có chuẩn mực thống nhất, thì nó đã bị chữ quốc ngữ latin tây phương thay thế.
Điều này đồng thời cũng là một (trong nhiều) chứng cứ cho thấy một cách dứt khoát: tiếng Việt là tiếng Việt, tiếng Hán là tiếng Hán. § Xem thêm: Từ Điển Nguồn Gốc Tiếng Việt, Nguyễn Hy Vọng, nhà xuất bản Đất Việt, 2013, USA.
Xin đọc lại bốn câu đầu bài thơ số 42 trong Quốc Âm Thi Tập:
Chèo lan nhàn bát thuở tà dương,
Một phút qua một lạ dường.
Ngàn nọ so miền Thái Thạch,
Làng kia mỉa cảnh Tiêu Tương.
bát: lái thuyền đi về tay phải
Thái Thạch: tức Thái Thạch ki 采石磯, ở tây bắc Ngưu Chử sơn 牛渚山, tỉnh An Huy 安徽. Hình thế hiểm yếu, thời cổ binh gia tranh giành đất này. Tương truyền Lí Bạch 李白 say rượu, nhảy xuống bắt trăng ở đây.
Tiêu Tương: hợp lưu sông Tiêu 瀟 và sông Tương 湘, thuộc tỉnh Hồ Nam 湖南. Cảnh đẹp, thường làm đề tài cho thơ và họa, như Tiêu Tương bát cảnh 瀟湘八景. § Xem thêm trang web Autumn Moon over Lake Dongting, from Eight Views of the Xiao and Xiang Rivers (瀟湘八景) http://burkecollection.org/catalogue/153-autumn-moon-over-lake-dongting-from-eight-views-of-the-xiao-and-xiang-rivers
mỉa: chữ Nôm này (美 + dấu nháy 巨) thường đọc âm là "mở". Tự Điển Chữ Nôm Trích Dẫn đọc là "mỉa", vừa hợp âm và nghĩa lại có phần hay hơn. Theo Đại Nam Quấc Âm Tự Vị, chữ "mỉa" có nghĩa là "mường tượng, gần giống, không khác gì bao nhiêu".
Ôi, ngày xưa cảnh đẹp sông núi người ta phải đem ví với Thái Thạch hoặc Tiêu Tương. Không biết Nguyễn Trãi rong thuyền đi chơi ở đâu nơi quê hương ông mà có giọng tiêu dao tự tại như thế!
Bài thơ này Nguyễn Trãi viết ra hẳn là khi đất nước đã vắng bóng quân Minh:
Hàng chim ngủ khi thuyền đỗ,
Vầng nguyệt lên thuở nước cường.
Mua được thú mầu trong thuở ấy,
Thế gian hay một khách văn chương.
Đã hơn bốn mươi năm rồi (từ 1975) đất nước tan hoang (về mọi mặt: chính trị, kinh tế, văn hóa, ngôn ngữ...), tôi cần phải tìm về những vần thơ đằm thắm của bậc anh hùng xưa.