2131. Bạc sinh quỳ xuống vội vàng,
2132. Quá lời nguyện hết Thành hoàng Thổ công.
Đọc đến hai câu này, Tản Đà ghi lại cảm tưởng của mình như sau:
"Hai câu đây, nghe như tầm thường, mà rất là lời văn lão luyện; thật vẽ ra cái bụng giả dối của bọn người vô lương."
Thành hoàng là một vị thần do dân gian thờ cúng, coi khu vực một làng hay một thành. Thổ công là thần đất.
Bạc sinh, tên họ gọi đủ là Bạc Hạnh.
Hai câu trong Truyện Kiều 2131-2132 tả rõ cảnh tượng Bạc Hạnh quỳ dưới đất kêu gọi đủ các thần thánh chứng giám cho lòng thành của anh ta, theo lời yêu cầu của Vương Thúy Kiều trước khi nhận lời kết duyên với Bạc sinh theo sự dàn xếp của Bạc bà. Bạc sinh là cháu của Bạc bà.
Muốn hiểu tại sao Tản Đà lại có cái cảm tưởng như trên, ta phải biết trong hoàn cảnh nào đã diễn ra sự việc đó.
Số là trước đó ít ngày, sau việc Kiều trèo tường chạy trốn khỏi Quan Âm các, nơi nàng bị giam lỏng ở nhà Hoạn thư, tìm đến Chiêu Ẩn am của sư Giác Duyên làm chỗ dung thân, nhưng rồi bị phát giác vụ Kiều đã lấy cắp chuông vàng khánh bạc của nhà Hoạn thư, mà Kiều phải nghe lời Giác Duyên đến xin ở nhờ một người đàn việt (1) là Bạc bà:
2081. Có nhà họ Bạc bên kia,
2082. Am mây quen lối đi về dầu hương.
Tội nghiệp cho nàng Kiều của chúng ta:
2117. Thiếp như con én lạc đàn,
2118. Phải cung rày đã sợ làn cây cong.
Người đọc nhớ rằng Kiều đã bị lừa vào lầu xanh của Tú bà lần thứ nhất. Nhờ Thúc sinh cứu thoát khỏi tay Tú bà, những ngày hạnh phúc êm đềm nhất trong suốt thời gian lưu lạc của nàng, là quãng một năm ăn ở với Thúc sinh ở Lâm Tri:
1471. Huệ lan sực nức một nhà,
1472. Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa.
1473. Mảng vui rượu sớm cờ trưa,
1474. Đào đà phai thắm sen vừa nẩy xanh.
Như vậy, ta hiểu ngay nguyên do tại sao Kiều đã hoảng "sợ rụng rời" khi nghe lời đề nghị của Bạc bà:
2091. Hư không đặt để nên lời,
2092. Nàng đà lớn sợ rụng rời lắm phen.
Bạc bà là người thế nào?
2089. Thấy nàng lạt phấn sạm son,
2090. Mừng thầm được món bán buôn có lời.
Bạc bà khôn khéo "vừa cương vừa nhu" đã vạch ra hết tình cảnh "tiến thối lưỡng nan" của Kiều, ở tạm với Bạc bà là nơi gần am của Giác Duyên thì không ổn, vì nàng đã mang tiếng trộm cắp chuông vàng khánh bạc; tốt hơn hết hãy nhận lời lấy Bạc Hạnh làm chồng, đến cửa hàng của Bạc Hạnh nơi xa ở châu Thai, mới là chỗ an thân:
2101. Nơi gần thì chẳng tiện nơi,
2102. Nơi xa thì chẳng có người nào xa.
2103. Này chàng Bạc Hạnh cháu nhà,
2104. Cùng trong thân thích ruột rà chẳng ai.
2105. Cửa hàng buôn bán châu Thai,
2106. Thực thà có một đơn sai chẳng hề.
Kiều biết tính làm sao nữa?
2119. Cùng đường dù tính chữ tòng,
2120. Biết người biết mặt biết lòng làm sao?
2121. Nữa khi muôn một thế nào,
2122. Bán hùm buôn sói chắc vào lưng đâu?
2123. Dù ai lòng có sở cầu,
2124. Tâm minh xin quyết với nhau một lời.
Thế là ta chứng kiến cái cảnh tượng nói đến ở trên:
2131. Bạc sinh quỳ xuống vội vàng,
2132. Quá lời nguyện hết Thành hoàng Thổ công.
Tản Đà đã hiểu rõ lòng người dạ thú nên mới thốt lời phê bình văn chương của Nguyễn Du. Quả thực:
2133. Trước sân lòng đã giãi lòng,
2134. Trong màn làm lễ tơ hồng kết duyên.
2135. Thành thân mới rước xuống thuyền,
2136. Thuận buồm một lá xuôi miền châu Thai.
Hỡi ơi, nàng Kiều! Sự việc sau đó diễn ra y như linh tính của nàng đã báo trước:
2137. Thuyền vừa đỗ bến thảnh thơi,
2138. Bạc sinh lên trước tìm nơi mọi ngày.
2139. Cũng nhà hành viện xưa nay,
2140. Cũng phường bán thịt cũng tay buôn người.
2141. Xem người định giá vừa rồi,
2142. Mối hàng một đã ra mười thì buông.
Thế là Kiều đã mắc bẫy lần thứ hai, bị bán làm kĩ nữ lầu xanh:
2161. Đầu xanh đã tội tình gì?
2162. Má hồng đến quá nửa thì chưa thôi.
2163. Biết thân chạy chẳng khỏi trời,
2164. Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh.
Ta hiểu tại sao Truyện Kiều của Nguyễn Du đã đi sâu vào dân gian như thế, qua những câu ca dao, tục ngữ, những thú lẩy Kiều, vịnh Kiều, bói Kiều, trích dẫn thơ trong những hoàn cảnh ở đời, v.v.
Hôm nọ, bàn chuyện trên trời dưới bể qua Messenger với một người bạn nhà văn, chị chép lại một đoạn trong tập hồi kí Đèn Cù của Trần Đĩnh, làm nhân chứng vụ đấu tố một nhà địa chủ thời Cải cách ruộng đất ở miền Bắc sau 1945, không khỏi kinh hoàng:
"Trần Đĩnh tố cáo bác Hồ bịt râu, và Lê Duẫn hay Trường Chinh bịt mặt đến xem bữa đấu tố bà Nguyễn Thị Năm. Tác giả Trần Đĩnh chứng kiến bữa họ bỏ xác bà vào cái hòm "xấu nhất, rẻ nhất" nên bà không vào lọt, chúng phải đạp gẫy xương xác bà cho thân lọt vào hòm. Và sau đó thì bác cầm khăn chặm nước mắt trước quốc dân và ông kính."
Mấy câu thơ Truyện Kiều trong đoạn Kiều gặp Hoạn bà vụt hiện về trong trí nhớ:
2083. Nhắn sang dặn hết mọi đường,
2084. Dọn nhà hãy tạm cho nàng trú chân.
2085. Những mừng được chốn an thân,
2086. Vội vàng nào kịp tính gần tính xa.
2087. Nào ngờ cũng tổ bợm già,
2088. Bạc bà học với Tú bà đồng môn.
Bạc Hạnh, Bác Hồ có tên họ gần y hệt như nhau, bèn xin lẩy Kiều một câu, để an ủy những oan hồn:
Xưa nay vốn tổ bợm già,
Bác Hồ với Bạc Hạnh là đồng môn.
(2020/12/27)
Chú thích
(1) đàn việt: 檀越. Đàn 檀 nghĩa là bố thí, cấp cho, thí bỏ; người làm việc bố thí sẽ vượt qua biển nghèo cùng nên gọi là "đàn việt". Còn gọi là "đàn na" 檀那 (tiếng Phạm: dāna); sinh tâm xả bỏ có thể diệt trừ được tính bỏn sẻn tham lam, đó là "đàn na" (Phật Quang Đại Từ Điển 佛光大辭典).
Tham khảo
http://vietnamtudien.org/vanhoc/tksmart.php