Rechercher dans ce blog

vendredi 12 août 2016

Văn Quang – Viết từ Sài Gòn


Văn Quang là một trong rất ít những nhà văn miền Nam cũ còn ở lại Sài Gòn sau biến cố 1975.

Tôi còn nhớ những cuốn tiểu thuyết tình yêu rất lãng mạn của ông viết trong bối cảnh chiến tranh thời đó. Thường thường, truyện của ông đăng theo lối feuilleton trên báo hằng ngày, trước khi in thành sách. Và bán rất chạy, nhất là trong giới nữ sinh. Không hiểu sao, tôi còn thuộc lòng bốn câu thơ sau đây, trong feuilleton "Chân trời tím", đăng trên nhật báo Chính Luận nếu nhớ không lầm:

Trời Nam Giao còn mưa không em,
Mây chiều nay còn ngưng bên thềm.
Heo may gió lạnh vào trong mắt,
Em ơi, chiều nay tôi nhớ em.

Từ nhiều năm nay, Văn Quang vẫn can đảm không ngừng lớn tiếng vạch ra bao nhiêu những điều thối nát tồi tệ của một chế độ tự xưng là Xã Hội Chủ Nghĩa. Chẳng hạn, trong bài viết mới dưới đây.

Xin để  ý những từ ngữ ghi trong ngoặc kép, để thấy ra những biến thái quái gở cũng như khuynh hướng đồng hóa tiếng Việt với tiếng Tàu Cộng Sản ngày nay.


Những chuyện khốn nạn ở nông thôn VN ngày nay


Văn Quang – Viết từ Sài Gòn

http://viendongdaily.com/nhung -chuyen-khon-nan-o-nong-thon- vn-ngay-nay-n8ugK5Vi.html
Tôi không thể dùng từ ngữ nào khác ngoài hai chữ “khốn nạn” dù từ ngữ đó không được lịch sự nhưng đó là tiếng người dân thường dùng để chỉ những hành động bẩn thỉu, quá tàn nhẫn của những kẻ có quyền có thế dù ở giữa thành phố hay nông thôn. Nhưng khổ nỗi là người dân nông thôn thường không dám mở miệng kêu ca vì sợ bị trù dập không ngóc đầu lên nổi. Tố cáo “tiêu cực” tức khắc bị chính cái cơ quan tham nhũng đó đuổi việc. 
Những người nông dân phải sống trong những ngôi nhà tranh rách nát.
Cho nên người dân bị bịt mồm bịt miệng rất âm thầm chứ không bị bịt mồm khi đứng trước tòa án như cha Lý, ông bị bịt miệng lần thứ 6 khi ông hô to câu “Ô nhục, phiên tòa ô nhục.” Hình ảnh ấy được loan ra trên khắp thế giới ai cũng biết. Bọn cường hào ác bá ở nông thôn VN ngày nay khôn ranh quỷ quyệt hơn nhiều, bịt miệng dân mà không để lại dấu vết, không một ai ngờ tới. Rất nhiều sự việc đã xảy ra thường bị “chìm xuồng,” nhưng bàn tay không thể che nổi ánh sáng mặt trời, vẫn có những sự việc lọt ra ngoài khiến người dân phẫn nộ. 
Bức xúc và... bức xúc, có gì đáng ngạc nhiên đâu 
Sau khi Chủ tịch QH, ông Nguyễn Sinh Hùng “bức xúc” trước hàng ngàn loại phí trên thì các đại biểu, các vị bộ trưởng cũng “bức xúc” theo về sự bất cập trong việc thu phí, lệ phí hiện nay.
Trên báo Người Lao Động nhiều bạn đọc bày tỏ sự ngạc nhiên: 
“Ô hay, những bất cập này, những nỗi khổ này người dân đã thấy và đã chịu bao nhiêu năm nay rồi, có gì mà các vị lãnh đạo lại “ngỡ ngàng” thế. Bao nhiêu năm qua người dân than trời, kiến nghị hoài trong các cuộc tiếp xúc cử tri hằng năm đấy thôi chứ có mới mẻ gì đâu các vị có vẻ khó hiểu. Vấn đề khó hiểu nhất chính là nó phi lý, khốn khổ với người dân bao nhiêu năm qua nhưng chẳng thấy thay đổi.” 
Điều này cũng được chứng minh rõ qua trình bày của ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách: Sau khi QH cho ý kiến lần đầu về dự án này tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, thường trực ủy ban này và Bộ Tài chính (cơ quan chủ trì soạn thảo) đã phối hợp với các bộ, ngành địa phương rà soát, sắp xếp, bãi bỏ 5 khoản phí và 6 khoản lệ phí, chuyển 4 khoản phí sang giá và bổ sung 6 khoản phí khác. 
Với một “rừng” phí như thế, qua một kỳ họp QH mà chỉ bỏ vài loại phí, lệ phí trong khi bổ sung thêm 6 loại phí mới thì có gì là đổi mới? 
Không đủ ăn lấy gì đóng phí? 
Không cần nói thì ai cũng có thể hình dung cuộc sống của người dân ở vùng nông rất thiếu thốn. Một số lớn người dân còn nghèo, sống rất vất vả, thậm chí thiếu đói khi mùa giáp hạt. Hầu như họ chỉ đủ lo chạy ăn từng bữa mà không thể để dành khi thiếu đói, không lo nổi cho con cái ăn học đàng hoàng. Những loại phí “dài dằng dặc” kia thì rất “vô tư vẫn đều đặn có người đến thu đã và đang là gánh nặng đối với cuộc sống của họ. 
Cứ tưởng là “phí” thì mức thu không lớn lắm, nhưng với thu nhập ít ỏi, nếu đóng những khoản thu này thì có khả năng gia đình, con cái của họ phải mất đi nhiều bữa ăn, giấc ngủ càng trằn trọc hơn vì bao lo toan về cuộc sống. Chúng ta không quá khó để có thể nhìn thấy rất nhiều mái nhà xiêu vẹo, rách nát ở bất cứ vùng nông thôn nào. Nông dân còn nghèo lắm, từng đồng đối với họ là mồ hôi, nước mắt trải ra trên cánh đồng. Thu gì thì phải cân nhắc chứ không thể ồ ạt như thế.  
Ông Đặng Văn Dũng - Bí thư Đảng uỷ xã Vĩnh Thuận - thừa nhận đây là danh sách này là danh sách khống (toàn là tên cũa những quan ăn cắp tiền hỗ trợ của dân). 
Ví dụ về một trường hợp cụ thể, bạn đọc Thanh Hà, kể: “Vợ chồng chị tôi có 3 con. Cả nhà sống nhờ vào 3 sào ruộng và miếng vườn. Lúa làm ra không đủ cho gia đình ăn giáp hạt. Trồng rau quanh vườn cao lắm mỗi ngày thu hoạch được 20,000 đồng. Chồng thì làm thuê lúc được lúc không, rảnh rỗi thả câu kiếm dăm ba con cá cải thiện bữa ăn gia đình. Việc kiếm khoai sắn ăn trừ bữa diễn ra thường xuyên. Những đứa trẻ nhiều hôm nhịn đói đến trường trong manh áo cũ mèm, vá víu. Bao nhiêu năm nay chị trốn đóng những khoản phí mà địa phương thu. Chị là chẳng có gì để đóng và nếu đóng thì con cái càng thiếu thốn”. 
Một bạn đọc Trần Văn Tí Em phân tích: 
“Với thu nhập quá thấp như phần lớn người dân nông thôn hiện nay, họ không thể đầu tư được gì cho con cái. Một đứa trẻ bước vào học cao đẳng hoặc đại học thì học phí một năm mất khoảng 20 triệu đồng. Tiền ở trọ, chi phí sinh hoạt thêm khoảng 30 triệu đồng nữa. Chỉ hai khoản này thôi thì thu nhập của phần lớn người làm nghề nông chẳng thể nào kham nổi. Điều đó có nghĩa con họ thất học và tương lai chờ đợi chúng sẽ là cái cuốc và miếng ruộng. Cứ thế, tình cảnh này sẽ tiếp tục lặp lại ở đời cháu…” 
Lại chuyện cái hộ khẩu hay cái hậu khổ 
Tôi đã có dịp tuờng thuật với bạn đọc về người dân ở huyện Thọ Sơn, Thanh Hóa “tá hỏa” vì họ phải nộp 200 nghìn đồng cho mỗi lỗi sai trong sổ hộ khẩu và giấy khai sinh và chuyện các quan huyện Thọ Sơn- Thanh Hoá nên các quan huyện Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc) lại “phát minh” ra chuyện đẻ con thứ 3, nộp 2 triệu mới có giấy khai sinh. Đẻ thêm con phải đóng thêm. Như vậy có nghĩa là nếu không đóng hai triệu thì đứa con đó không được làm giấy khai sinh coi như “không được đẻ”. Chuyện này cũng chẳng khác gì chuyện “không được chết” vì “nợ” thôn 1.7 triệu đồng không cho làm đám ma. 
Ông Hải khẳng định chữ ký trong danh sách không phải của ông. 
Đến nay, học tập được cách kiếm tiền dân của các đàn anh Thọ Sơn (Thanh Hóa) và Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc), các quan ở thôn Đông Lâm, xã Hương Lâm, H.Hiệp Hòa (Bắc Giang) lại đẻ ra cách móc túi dân bằng cách phải nộp hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng tiền phí, mới được trả sổ đỏ. 
Cái sổ đỏ quan trọng lắm, nếu không có cái sổ đỏ người dân không thể làm ăn buôn bán hoặc đi bất cứ đâu. Hơi một tí là quan chức từ anh thư ký thôn đến tòa án các cấp đều đòi “kiểm tra cái sổ đỏ” xem anh có đúng là người ở địa phương đó hay không. Sai một tí thôi là mọi việc đều “không hợp lệ, sổ toẹt hết”. Người dân coi cái sổ đỏ như sinh mạng của mình. 
Thế nên nhiều gia đình dân thôn Đông Lâm cho biết, sau bao năm chờ đợi, cuối năm 2015, nhận được thông báo lên trụ sở Ủy Ban Nhân dân (UBND) xã Hương Lâm nhận “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” (tức là cái sổ đỏ – VQ) của mảnh đất đang ở. Vừa nhìn thấy sổ, người dân đã “té ngửa” vì khoản phí phải trả để được nhận sổ từ vài chục đến vài trăm triệu đồng. Một người dân cho biết: “Chính quyền xã chỉ cho chúng tôi nhìn thấy sổ đỏ chứ không cho mang về”. 
Ông Đồng Văn Tú (45 tuổi) ở thôn Đông Lâm bực tức kể lại: “Nhà tôi có hơn 300 m2 đất, phải nộp 138,8 triệu đồng UBND xã mới trả sổ. Thấy khoản tiền lớn và vô lý nên tôi không nộp”. 
Theo ông Tú, tháng 12.1996, gia đình đã nộp 7.5 triệu đồng để mua 308,5 m2đất theo chủ trương bán đất lấy tiền xây dựng hạ tầng cơ sở của UBND xã Hương Lâm. Sau khi được bàn giao đất, gia đình đã xây nhà, ở ổn định từ đó đến nay, nhưng không được cấp sổ đỏ, dù nhiều lần đã đề nghị với chính quyền địa phương. Đến khi có sổ thì không đủ tiền nộp vì phí quá lớn. 
Cuộc sống ở quê quá khó khăn, những đứa trẻ vào các thành phố kiếm sống. 
Ngoài ông Tú, tại thôn Đông Lâm còn hàng chục gia đình khác chung tình cảnh. Theo ông Đồng Viết Thắng (57 tuổi), người nộp ít nhất là gia đình ông Nguyễn Đình Nguyên, với 60.6 m2 nộp 27.3 triệu đồng; nhiều nhất là ông Ngô Quang Giảng với 620.1 m2 đất, phải nộp 270 triệu đồng. 
Theo ông Đồng Văn Tú, công thức chung để tính ra mức tiền phải nộp của mỗi gia đình kể trên là lấy tổng diện tích mảnh đất nhân với giá đất hiện thời (UBND xã áp giá 1,5 triệu đồng/m2), sau đó nhân với 30% thì ra số tiền phải nộp phí sổ đỏ. Ví dụ nhà ông Tú có 308.5 m2 x 1.5 triệu đồng = 462.75 triệu đồng x 30% = 138.8 triệu đồng. “Người dân chúng tôi không hiểu UBND xã lấy công thức tính phí cấp sổ đỏ này từ quy định nào.” 
Trong khi đó, theo phản ánh của ông Thắng, năm 1996, trước khi mua đất, gần trăm gia đình dân ở thôn Đông Lâm đã chung nhau nộp 3 triệu đồng gọi là tiền quy hoạch và tiền cấp sổ đỏ cho UBND xã Hương Lâm. Người trực tiếp thu, có ghi lại phiếu, là ông Đồng Minh Hội, Trưởng thôn khi đó. 
Ép dân theo luật đã bị hủy bỏ 
Tuy nhiên, luật sư Tạ Quốc Cường, Giám đốc Công ty luật Hợp danh sự thật, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, ngày 26.8.2014, UBND tỉnh Bắc Giang đã ký Quyết định số 1271 bãi bỏ Quyết định số 191 ngày 27.6.2012, có hiệu lực từ ngày ký. 
Luật sư Cường khẳng định “Như vậy, UBND H.Hiệp Hòa đã ép người dân phải nộp tiền phí cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật đã bị bãi bỏ”. 
Trước ý kiến này, bà Nguyễn Thị Hoa, Bí thư Huyện ủy Hiệp Hòa cho biết sẽ yêu cầu các cấp liên quan kiểm tra lại thông tin về việc chính quyền áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực kể trên. 
Cứ đụng đến chính quyền làm láo là lại đợi “kiểm tra, kiểm thảo” dù bà này thừa biết cấp dưới thừa hành ra sao nhưng vẫn làm thinh hoặc có “ẩn tình” chia chác gì đây nên “há miệng mắc quai” đành đưa cái bài học thuộc lòng cũ rích “kiểm tra” che đạn. 
Cái thể lệ hành chính ở VN là như thế. Đừng mong gì họ sửa đổi, họ ôm chặt lấy nhau để cùng sống, cùng chia hưởng hạnh phúc chói lòa trên lưng thằng dân nghèo khố rách áo ôm. 
Ăn chặn tiền hỗ trợ người dân nghèo 
Một chuyện khốn nạn khác vừa xảy ra tại xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), mấy tên cán bộ xã “ém” tiền trợ cấp cho gia đình nghèo và kê khống diện tích lúa bị hạn mặn để rút tiền hỗ trợ được UBND tỉnh Kiên Giang cấp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Kiên Giang, trong đợt hạn mặn vừa qua, toàn tỉnh có hơn 56,000 ha lúa bị thiệt hại. Người dân ở tỉnh này chịu thiệt hại nặng nề vì lúa bị ngập úng do mưa dầm. UBND tỉnh đã cấp hơn 108 tỉ đồng để giúp người dân trong lúc khó khăn. Thế nhưng bọn sâu dân mọt nước lợi dụng mọi cơ hội để “ăn cướp” tiền của dân. 
Nhận tiền phải đóng phí 
Bà Đặng Thị Hà ở ấp Kênh 3, xã Vĩnh Thuận (huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang), cho biết 4 ha lúa của gia đình bà đã bị thiệt hại 100%. Thế nhưng, chính quyền địa phương chỉ hỗ trợ cho bà 1 ha với số tiền 2 triệu đồng thay vì 8 triệu đồng theo quy định. Bà nói: “Tôi đến gặp cán bộ ấp để khai báo 4 ha lúa bị chết khô nhưng không được ai xuống kiểm tra, xác minh. Tôi thật sự ngỡ ngàng khi được nhận tiền hỗ trợ chỉ với 2 triệu đồng cho 1 ha. Nhận tiền xong, lập tức cán bộ xã bắt tôi phải đóng các khoản phí tổng cộng 220.000 đồng nhưng không giao biên lai thu tiền, không giải thích là thu tiền gì.” 
Không những vậy, một cán bộ ở xã Vĩnh Thuận (xin giấu tên) cho biết một số cán bộ xã thông đồng, móc nối với người dân nâng khống diện tích lúa bị thiệt hại để nhận tiền hỗ trợ chia nhau tiêu xài. Thậm chí có người không gieo sạ nhưng vẫn được đưa vào danh sách hỗ trợ và nhận tiền. (Tức là không gieo cấy gì hết vẫn được đền bù). 
Ông Lâm Hiền Lương, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận khi trả lời báo chí đã trâng tráo bào chữa: “Có trường hợp cán bộ lập danh sách “lộn” nên mới xảy ra tình trạng hộ dân bị thiệt hại nhưng không đưa vào danh sách nhận tiền hỗ trợ”. “Lộn” gì mà “lộn” lạ đời thế, sao không “lộn” cho dân hưởng nhiều hơn quan, chỉ “lộn” cho quan ăn hết cả cái áo đụp của dân. 
Quan xã giữ giùm quà Tết của dân 
Cũng theo phản ánh của người dân ở xã Vĩnh Thuận, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, có gần 86 gia đình nghèo tại địa phương được hỗ trợ quà và tiền ăn Tết nhưng cán bộ xã lập hồ sơ, chứng từ khống để “giữ giùm” cho đến nay. 
Theo đó, mỗi hộ nghèo nhận 1 phần quà trị giá 150,000 đồng và 350,000 đồng tiền mặt. Ông Huỳnh Văn Tấn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã, là người đứng ra nhận 31 triệu đồng từ Phòng Lao Động - Thương Binh và Xã Hội huyện Vĩnh Thuận để chi cho dân và làm các thủ tục quyết toán. Tuy nhiên, hầu hết các hộ dân đều không nhận được tiền, quà theo như danh sách ký nhận và các chữ ký này cũng là giả mạo. 
Ông Nguyễn Văn Thới, ngụ ấp Kênh 14, xã Vĩnh Thuận, bức xúc: “Tết vừa rồi tôi chỉ nhận được 200.000 đồng tại văn phòng ấp chứ không có khoản tiền nào khác. Tôi cũng không biết ai đã mạo chữ ký của tôi trong bảng nhận quà và tiền hỗ trợ từ UBND huyện”. 
Như thế không thể không dùng từ ngữ nào khác ngoài mấy chữ “bè lũ khốn nạn” để chỉ bọn quan lại địa phương này được.


Văn Quang (23-6-2016)