Rechercher dans ce blog

dimanche 29 septembre 2019

những con vịt ở Sapa


Hôm qua loay hoay xem lại cái PC Windows cũ, tình cờ gặp một tấm hình, chụp ở Sapa, chín năm về trước (2010).

Chỉ là mấy con vịt, nằm hoặc đứng, ngổn ngang bên cạnh một vũng nước đất đỏ.

Vậy mà trong lòng bỗng nhói lên một niềm áo não lạ thường.


photo @dtk 2010














Y hệt như nỗi lòng ngày hôm đó, lúc đi ngang qua vũng nước, chụp tấm hình này.

Hôm đó, vừa bước xuống xe car, đoàn du khách đến thăm một ngôi làng thuộc vùng núi Sapa (Bắc Việt), đã bị gần hai chục người Yao bao vây tức khắc. Toàn là phụ nữ, phần lớn tuổi không quá 30 — đầu chít khăn, thân mặc áo đen, thêu chỉ màu sặc sỡ.

Riêng nhà tôi đã có hai ba người Yao theo bén gót, suốt mấy giờ đi bộ thăm làng. Ai bảo người Yao chậm tiến? Trên tay mỗi người đều có một máy điện thoại di động. Họ vừa đi vừa nói chuyện huyên thiên. Đại khái cứ nài nỉ không ngừng, xin nhà tôi nhận lời mua mấy món hàng "lưu niệm" địa phương: túi thêu, khăn choàng... Mấy món hàng này, thực ra ở đâu cũng thấy. Và chắc chắn sản xuất từ một xưởng máy nào đó bên Trung Quốc mà thôi.

Lối vào làng là một con đường đất đỏ, rộng chừng mười thước, dài khoảng gần cây số, dốc thoai thoải, vài khúc quanh không gắt lắm. Đoạn đầu, ven đường là những cánh đồng, mái tranh thưa thớt, sợi khói nhạt nhòa, xa xa chỉ thấy một trẻ mục đồng dẫn trâu chậm rãi.

Vào đến trong làng, rải rác vài cửa tiệm mái tôn, bày bán dăm thứ rau cỏ, kẹo bánh..., và hai ba người ngồi ngáp. Hình như tiệm chỉ rộn ràng lên khi có khách du lịch vào thăm. Không biết ai bảo, nhà tôi cũng bắt chước mua bánh kẹo, phân phát cho mấy đứa trẻ con, tranh nhau ồn ào mười phút.

Dọc đường làng, đây đó một mái tranh hoặc lợp tôn đen đủi, trước cửa, một đứa bé, cầm túi nylon, nhìn ngơ ngác. Chúng tôi ghé thăm một căn nhà, mà người hướng dẫn bảo là truyền thống ở đây. Trong nhà tối om, nhìn kĩ phòng bếp, lổng chổng vài cái bếp đất, mấy cái nồi ngổn ngang, trên tường lủng lẳng mấy cột giấy đề chữ Hán. Ra vườn sau, có một giàn bầu, lá vàng. 


Trên đường, trước sân một căn nhà, có hàng dây thép phơi một dải khăn dài, màu xanh thẫm nước biển. Có lẽ ở đây, người ta dệt vải nhuộm chàm chăng?

Đi một quãng nữa, chợt thấy một vũng nước và mấy con vịt đã chụp trong hình ở trên. Đất đỏ quánh, không cỏ xanh, bên cạnh là một tấm bạt nhựa xanh. 

Không hiểu sao, chụp tấm hình xong, tôi bỗng nhiên buồn bã muốn nẫu cả người.

Chợt liên tưởng tới tấm bảng sắt rỉ sét cắm bên vệ đường lúc vào làng. Khẩu hiệu: "Xóa đói, giảm nghèo". Trông cái vẻ rỉ sét, mặt sắt lồi lõm, sơn tróc màu quá nửa, thì cái bảng này đã có mặt ít nhất từ 30 năm trước.

Hôm nay, nhìn kĩ lại tấm hình: những con mắt hạt dưa, đen xạm, không động đậy.

Trông con vịt nào cũng buồn như nhau!
















samedi 17 août 2019

trí khôn nhân tạo


Hôm nọ, viết trang blog "big data", tôi đã tò mò tìm xem "artificial intelligence", trong tiếng Việt bây giờ gọi làm sao. 

Anh bạn HA@huediepchi.com mới nhắc là "trí tuệ nhân tạo" (1). 
Người Tàu dịch là: "nhân công trí năng 人工智能" (2).

Ờ, ờ... đứng riêng về mặt ngôn ngữ, dịch "intelligence" thành "trí tuệ", "trí năng", ..., thì cũng chẳng có gì phải nói.

Tuy nhiên, cứ nhớ tới những câu "đao to búa lớn" nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa nhai nhải từ mấy chục năm nay, theo kiểu "đỉnh cao trí tuệ" chẳng hạn, lại chỉ muốn văng tục!


Cách đây ba chục năm, kĩ thuật "artificial intelligence" còn ở thời kì phôi thai, nhân đang tập viết lí trình (software, logiciel) bằng ngôn ngữ điện toán mới ra đời lúc đó, chuyên về "artificial intelligence" (ngôn ngữ Prolog của trường Đại Học Edinburgh) và đúng khi vừa đọc qua một truyện cổ tích Việt Nam (trong bộ "Raconte-moi des histoires" dành cho học sinh tiểu học) (4) (5), tôi mới nảy ra ý đề nghị dịch "artificial intelligence" là "túi khôn nhân tạo".

Truyện kể đại khái về nguồn gốc tại sao con cọp lại có vằn đen trên lưng vàng. Xin tóm lược như sau:

Một hôm, ngài chúa sơn lâm, đi ra ngoài rừng, mon men đến một bờ ruộng. Cọp lại gần một con trâu đang nằm nghỉ trưa, miệng ngẫm nghĩ nhai lại bữa ăn chưa tiêu hóa xong:
— Này bác trâu, trông bác to lớn bệ vệ thế, mà sao lại chịu cho cái thằng người nhà quê bé choắt sai bảo làm lụng cực nhọc như vậy?
Con trâu nuốt vô bụng mớ cỏ đã nhuyễn, vừa cười vừa chậm rãi trả lời cọp:
— Hì hì, vâng, bác nói phải lắm. Có điều thằng người bé con như thế, nhưng nó có cái Khôn, bác ạ!
— Cái khôn gì, khôn liềng vậy hả?
— Vâng, cái Khôn của hắn lợi hại lắm. Chẳng riêng gì tôi, mà các loài vật khác, đều chịu lép một bề cả.
Cọp ta lấy làm lạ, bèn bảo trâu về xin với chủ nó cho gặp mặt cọp hôm sau. Cọp thầm nghĩ rằng sẽ tìm cách lấy cho bằng được cái Khôn gì đó của người nhà quê.
Hôm sau, cọp đợi sẵn bác nông phu bên bờ ruộng. Lúc người nhà quê vừa bước tới, cọp đã vội vàng lên tiếng:
— Này ông làm ruộng, ông có thể cho tôi xin một chút "cái khôn gì đó" hay không?
Người nhà quê trả lời:
— Ồ, có gì đâu. Chỉ là tôi không có sẵn đây, chứ nào tôi có tiếc gì với bác Hổ.
— Làm sao bây giờ?
Người nông phu mới nói:
— Vâng, tôi sẵn sàng về nhà lấy túi Khôn chia lại cho bác. Nhưng chỉ e bác ở đây ăn thịt con trâu của tôi, thì tôi còn gì làm ăn sinh sống nữa?
Con cọp mừng quá, nói:
— Ồ, không sao đâu. Bác cứ buộc tôi vào gốc cây kia. Tôi đợi ở đấy, không thèm ăn thịt con trâu của bác đâu mà sợ.
Người nhà quê liền mở ra một cuộn dây thừng, trói chặt con hổ vào gốc cây, xong xuôi mới nói:
— Hà hà. Cái túi khôn của tôi đây.
Bác nông phu nắm một bó rơm, dí vào mình cọp châm lửa đốt cháy từ đầu tới đuôi.
Thương thay, con cọp bị nóng bỏng, gầm thét vang dội cả khu rừng. Sau cùng, nó vùng lên, bứt đứt hết cả cuộn thừng còn cháy dở, chạy một mạch vô rừng thẳm.
Con trâu xem cảnh tượng hổ ta khốn khổ như vậy, bò lăn ra đất mà cười, đến nỗi đập mũi vào một khối đá lớn, bẹp dí cái mũi, như người ta còn thấy dấu vết cho tới ngày nay.
https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
Riêng cọp ta, bị một trận kinh hồn lạc phách, toàn thân cháy xém. Đấy là nguyên do tại sao ngày nay, con hổ vẫn còn mang vằn đen trên mình vàng. Vằn đen là vết tích của cuộn thừng cháy dở đấy các bạn ạ.

Nhân đọc truyện cổ tích này, tôi thấy hai chữ "túi khôn" rất hợp với ý "artificial intelligence" ngày nay. Tục ngữ Việt Nam còn có câu "đi một ngày đàng học một sàng khôn". "Túi khôn" và "sàng khôn", ý nghĩa tương đương. Tuy nhiên, hôm nay nghĩ lại, thấy cái "túi" có vẻ mộc mạc vật chất quá, đổi là "trí khôn nhân tạo" có lẽ hay hơn.

Trong cuốn sách "21 bài học cho thế kỉ XXI" (6), nhà tư tưởng Yuval Noah Harari cho rằng tương lai loài người trong vũ trụ ngày càng chịu sự khống chế hoàn toàn của kĩ thuật sinh học và kĩ thuật tin học (tiếng Pháp: biotech, infotech).

Mà "artificial intelligence" là gì, nếu không phải là sự ứng dụng kĩ thuật điện toán viết quy tính (tiếng Pháp: algorithme)  kết hợp với khả năng tích trữ các dữ kiện khổng lồ (big data), càng ngày càng hiệu quả (7).


Trong khi đó, "đỉnh cao trí tuệ" là cái củ chi, mà nhân dân vẫn mãi sống trong vòng ngu tối, mất hết tự do, chẳng biết gì tới dân chủ, kinh tế thụt lùi, giáo dục đổ vỡ tan hoang?




Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Trí_tuệ_nhân_tạo
(2) https://zh.wikipedia.org/wiki/人工智能
(3) https://ja.wikipedia.org/wiki/人工知能
(4) https://chantecler18.wordpress.com/2013/05/29/le-buffle-le-tigre-et-lintelligence/
(5) https://m.youtube.com/watch?v=IKppEEXIo4M
(6) 21 Lessons for the 21st Century, Yuval Noah Harari.

(7) Coronavirus : « La méthode scientifique est le seul rempart contre l'hystérie », via @LePoint https://www.lepoint.fr/tiny/1-2366341


jeudi 8 août 2019

Hai Cuộc Xuống Đường

Lời dẫn:
Trần Văn Lương là người thông thạo Hán Nôm, ông làm rất nhiều thơ chữ Hán. Nhưng khi làm thơ tiếng Việt, thơ ông vẫn trong sáng. Hoàn toàn vắng bóng những từ ngữ của cái ở đây tạm gọi là "tiếng Việt 1975".

Kính gửi đến quý vị trưởng thượng và quý anh chị con cóc cuối tuần.

Dạo:
         Người vì dân chủ đấu tranh,
Mình vì thắng một trận banh xuống đường!


Cóc cuối tuần:

    Hai Cuộc Xuống Đường

Đường phố rộng, người nen gần kín chỗ,
Dòng áo đen như nước đổ tràn sông,
Thấm loang dần khắp ngõ ngách Hồng Kông,
Chẳng ai bảo, nhưng ai lòng cũng hiểu.

Dân số chỉ tròm trèm chưa tám triệu,
Mà phần tư đã khứng chịu hy sinh,
Tạm quên đi giấc yên ổn thanh bình,
Vì dân chủ lao mình vào tranh đấu.

Dẫu biết sẽ bị "chúng" nghiền nát ngấu,
Vẫn kiên trì làm châu chấu đá xe.
Lũ côn đồ được nhà nước bao che,
Đã đứng sẵn rình chờ phe đối lập.

Đường chiến đấu dù chông gai tràn ngập,
Người người đều bất chấp mọi tai ương,
Từ luật sư, công chức đến tiểu thương...
Ngay tuổi trẻ cũng bỏ trường xuôi ngược.

Nhìn con lo việc nước,
Mẹ không đành cũng sánh bước kề bên,
Chống bọn tay sai vâng lệnh bề trên 
Muốn đặt ách độc tài lên thành phố.

Luật dẫn độ tuy tạm thời xếp xó,
Nhưng Bắc Kinh nào chịu bỏ qua cho.
Dân Hồng Kông vì dân chủ tự do,
Quyết gánh chịu rủi ro dù sớm muộn.
                            x
                       x        x
Người tỵ nạn khẽ buông tờ báo xuống,
Nghe trong lòng cuồn cuộn nỗi xót xa.
Nhìn dân người lại nghĩ đến dân ta,
Mà nhỏ lệ thương quê nhà bạc phước.

Buồn nhớ lại chuyện ít lâu về trước,
Vừa nghe tin người trong nước sục sôi,
Lầm tưởng cây hy vọng đã đâm chồi,
Nên xớn xác vội tươi cười hớn hở.

Dân Việt túa ra đường như vỡ chợ,
Hung hăng tày bầy ngựa dữ sút cương, 
Nổ giòn hơn đại bác ở sa trường,
Nhảy nhót tựa đang phát cuồng phát nhiệt.

Đàn thiếu nữ ngực cởi trần la hét,
Đám thanh niên gào thét chạy lăng quăng.
Nhìn thấy ai cũng "sát khí đằng đằng",
Mừng tự hỏi phải chăng đà đến lúc?

Phải chăng đã đến giờ dân bất phục,
Vì nghe lời thúc giục của lương tâm,
Vì ngấy trò phải giả điếc giả câm,
Hay vì bởi một nguyên nhân nào khác?

Có phải tại lũ cầm quyền bạc ác,
Xuất cảng dân đen đi các nước ngoài,
Trai cu li, gái bán xác miệt mài,
Còn hay mất, chẳng ai thèm hay biết?

Có phải tại giặc Tàu làm cá chết,
Giết ngư dân, đầu độc hết môi trường,
Mà bạo quyền, vốn hèn nhát bất lương,
Chẳng dám nói Chệt bồi thường thiệt hại?

Có phải tại bầy đảng viên vô lại
Cướp đất đai, của cải... của toàn dân,
Chiếm ngay luôn chốn thờ phượng thánh thần,
San bằng cả mộ phần người quá cố?

Có phải tại Vẹm bán dần lãnh thổ,
Để Tàu phù vào xóa sổ dân ta,
Dù bao người quyết đổ máu mình ra,
Mong cứu vớt mảnh sơn hà ngày trước?

Có phải tại đám cướp ngày tai ngược,
Bắt những người yêu nước chịu hàm oan,
Chịu giam cầm, chịu hành hạ dã man,
Đau đớn kiếp lầm than trong ngục tối?

Một câu hỏi kéo theo ngàn câu hỏi,
Càng đoán mò lại càng rối ren thêm.
Đám đông kia tựa ánh chớp qua thềm,
Vừa thấy đó, bỗng nhiên liền mất hút.

Người bẽn lẽn, biết ngay mình mừng hụt,
Giấc mơ đang trứng nước vụt tan tành.
Dân xuống đường, nào phải để đấu tranh,
Chỉ vì thắng một trận banh, Trời ạ!
                           x
                       x        x
Công dựng nước mấy ngàn năm vất vả,
Giờ đây đành tất cả thả trôi sông.
Những tiền nhân của dòng giống Lạc Hồng,
Nay chắc hẳn nát lòng nơi tiên giới.

Nếu dân Việt không cùng nhau quật khởi,
Mải tranh giành chút quyền lợi cỏn con,
Và chẳng màng đến vận mệnh nước non,
Ngày diệt chủng ắt chẳng còn xa nữa.

Đêm vơi đà quá nửa,
Đau lòng nhìn đốm lửa tắt trời xa.
               Trần Văn Lương
                  Cali, 8/2019

__._,_.___

Posted by: "Luong V. Tran" <tran1232@yahoo.com>

samedi 12 janvier 2019

Mày Lại Về "Ăn Tết"

Lời dẫn:
Trần Văn Lương là người thông thạo Hán Nôm, ông làm rất nhiều thơ chữ Hán. Nhưng khi làm thơ tiếng Việt, thơ ông vẫn trong sáng. Hoàn toàn vắng bóng những từ ngữ của cái ở đây tạm gọi là "tiếng Việt 1975".

Dạo:

     Giang san đã bán cho Tàu,
Người về "ăn Tết" có đau tấc lòng?


Cóc cuối tuần:

Mày Lại Về "Ăn Tết"

(Mượn lời người còn kẹt lại VN nói với đứa bạn đã từng vượt biên và đã từng mang danh "tỵ nạn")

Tao mới biết mày luôn về "ăn Tết",
Nhưng mày hằng trốn biệt chẳng tìm tao,
Vì ngại tao túm áo hỏi tại sao
Mày không nghĩ đến đồng bào đất nước.

Hãy nhớ lại vài chục năm về trước,
Khi Việt nam vừa được Mỹ bang giao,
Mày đã quên lời thề thốt đêm nao,
Vội lén lút xé rào về "ăn Tết".

Tao bắt gặp, mày bèn thề sống chết,
Rằng về đây, cương quyết chỉ một lần,
Mục đích là để thăm viếng người thân,
Và cải táng mộ phần cho bố mẹ.

Nhìn mắt mày rưng lệ,
Tao phân vân rồi khe khẽ mủi lòng,
Thầm nghĩ ai chưa quên hẳn giống dòng,
Ắt còn có chút gì không đến nỗi.

Sau lần đó, mỗi thằng đi một lối,
Tưởng mày đà biết nghĩ tới quê cha,
Có ngờ đâu những lời nói thiết tha
Ngày xưa đó hóa ra là láo hết.

Tao đau lòng được biết,
Bấy lâu nay, hễ Tết đến Xuân về,
Mày hầu bao rủng rỉnh ghé "thăm quê",
Lo đàn đúm hả hê không biết mệt.

Tao nghe nói, có năm gần trước Tết,
Mày lên đồ lính trận thiệt oai phong,
Xuống Bolsa, hùng dũng giữa đám đông,
Hô chống Cộng, trông vô cùng lẫm liệt.

Nhưng sau đó, khi Sài Gòn đón Tết,
Bỗng có mày về lê lết ăn chơi,
Sáng la cà, chiều du hí khắp nơi,
Thỉnh thoảng lại giở trò chơi "từ thiện".

Đám bè bạn xưa theo mày vượt biển,
Đã lắm thằng giờ hiện ở nơi đây,
Cùng mày luôn họp thành lũ thành bầy,
Đêm trác táng, ngày no say "thoải mái".

Tao nhớ mãi, lần đầu mày trở lại,
Mày vẫn còn ái ngại một vài phân,
Nhưng ngày nay mày ắt đã quen dần
Nên mặt mũi càng câng câng vênh váo,

Khác hẳn lúc năm xưa mày đã bảo,
Chỉ về đây để báo hiếu mẹ cha,
Nhân tiện thăm bè bạn với thăm nhà,
Trước khi phải rời xa quê mãi mãi.

Mày xui xẻo giờ bị tao gặp phải,
Chẳng sượng sùng, còn lải nhải biện minh,
Nào đi xa nên nhớ quá quê mình,
Nào tiếng gọi gia đình không dám cãi!

Mày có biết khi xênh xang trở lại,
Mày vô tình đã làm hại quê hương,
Đã góp phần nuôi dưỡng bọn bất lương,
Đưa đất nước vào con đường hủy diệt.

Chuyện quá khứ mày đà quên hết tiệt,
Quên vợ con mày chết ở Biển Đông,
Quên những ngày trại tỵ nạn long đong
Khúm núm sợ phật lòng thằng gác Thái.

Tao chỉ hỏi lần này rồi mãi mãi
Quyết sẽ không gặp lại bản mặt mày,
Đứa chối từ thân phận để về đây
Đạp lên nỗi đắng cay toàn dân Việt.

Mày có thấy thường dân bị đánh giết,
Khách trên đường chỉ liếc mắt rồi thôi,
Vẫn thản nhiên, vẫn phớt tỉnh nói cười,
Nhân tính của người thời nay thế đó!

Mày có thấy bầy công an cán bộ
Bắt con dân yêu nước bỏ vô tù,
Bao nhà nông tài sản bị tịch thu
Chỉ còn biết ngậm căm thù, nuốt lệ?

Mày có thấy đám đầu xanh tuổi trẻ,
Trai rạc rài chẳng kể đến ngày mai,
Gái bán rao trinh tiết tận nước ngoài?
Đấy, hy vọng cùng tương lai nước Việt!

Mày có thấy năm nay về "ăn Tết",
Bắc đến Nam, nhốn nháo Chệt đầy đường,
Trong lòng mày có thoáng chút buồn thương
Cho vận mệnh của quê hương đất nước?

Hay mày vẫn còn vênh vang như trước,
Kệ quê nhà, miễn mày được vui chơi,
Được rượu chè cùng trai gái thảnh thơi,
Mặc nước mất vào tay người dị tộc?        

                          x
                      x       x

         Thêm một lần Bắc thuộc,
Leo lét buồn ánh đuốc giữa đêm đen.

                Trần Văn Lương
                   Cali, 1/2019