Rechercher dans ce blog

vendredi 24 février 2017

Giới thiệu ebook song ngữ Hán Việt Tây Sương Ký 西廂記 Mái Tây


Tác giả: Vương Thực Phủ 王實甫, người dịch: Nhượng Tống

Lần đầu được nghe tên tác phẩm Tây Sương Ký là nhờ đọc bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải, với những câu thơ bát ngát của Nguyễn Du.

Thí dụ:

Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.


hoặc là:

Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?


hoặc là:

Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.


Tình cờ một hôm vào năm 1983, tôi mua được một bản Mái Tây ở tiệm tạp hóa Pacific của một người lánh nạn cộng sản ở Franconville (Val d'Oise, France). Gần mười năm sau biến cố Tháng Tư, 
tâm thần người Việt còn dao động mạnh. Và nhu cầu tìm đọc sách báo tiếng Việt rất lớn.
Tự nó, bản dịch Mái Tây đã là một áng văn chương lai láng khôn hàn: 


Non xanh chẳng nể nang nhau,
Rừng xanh thôi cũng ra mầu khẩy trêu!
Mịt mùng sương bạc khói chiều,
Người đi ta biết trông theo lối nào?
Lên xe mà dạ xôn xao,
Về sao chậm chạp? Đi sao vội vàng?
Tà tà bóng ác xuyên ngang,
Nào nghe người nói, trên đường cái quan.
Mông mênh đồng lúa xanh rờn,
Còn nghe ngựa thét trong làn gió thu!


Nhưng gần đây, bỗng dưng tôi lại muốn tìm bản Hán văn đọc thử và so sánh với bản dịch của Nhượng Tống xem sao.

Hình như mấy câu thơ của Vương Thực Phủ trích dẫn trong cuốn Truyện Kiều nói trên cứ mãi vi vút trong đầu.

Chẳng hạn:

Dữ ngã thật thị minh bạch, an tri bất thị mộng trung lai 與我實是明白, 安知不是夢中來.

Thời điện tử Internet, điều đó chẳng khó gì, có cả hàng chục trang web cho đọc tự do, cả bằng tiếng Hán và tiếng Việt.

Thật bất ngờ, lần này tôi phát hiện một số từ ngữ (trong bản dịch của Nhượng Tống) hơi khó hiểu, mà trước đây không hề để ý. Chúng tôi cố gắng chú thích những từ ngữ này, dựa theo bản Hán văn và những tham khảo trên Internet.

Ngoài ra, dò theo cuốn sách tiếng Việt có sẵn, tôi cũng nhận ra một tình trạng bê bối trong các văn bản tiếng Việt: đầy những lỗi sao chép, nếu không là những sửa đổi bừa bãi (*01).

Bản song ngữ Hán Việt (*02) giới thiệu ở đây làm theo dạng hv-ebook, nghĩa là người đọc, khi cần, có thể click lên mỗi một chữ Hán trong trang blog để dẫn tới trang giải thích tương ứng trong http://www.vietnamtudien.org/hanviet/ (*03).

Bây giờ mới thật hiểu lòng ông Thánh Thán đã xếp cuốn Tây Sương Ký vào Lục tài tử thư Trung Quốc.

Và càng đọc bản dịch "phi phàm" (*04) của Nhượng Tống, lại càng xót xa cho nền văn học nước nhà. Từ cuộc Cách mạng mùa Thu, bao nhiêu thiên tài dân tộc (Khái Hưng, Nhượng Tống, Văn Cao, Vũ Hoàng Chương, ...) — nếu không bị sát hại thì cũng bị trù giập tàn tệ suốt đời.



Chú thích

(*01) Tình trạng ấn hành cẩu thả những tác phẩm văn học vẫn đầy dẫy trên thị trường sách báo từ 1975 cho đến bây giờ. Hãy so sánh các bản in những bộ sách trước và sau 1975. Chẳng hạn: Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, Thiền Luận (3 cuốn) của Suzuki,  Mái Tây (Nhượng Tống dịch), v.v.
(*02) http://hv-ebook-taysuongki.blogspot.fr/
(*03) Xem http://hv-ebook-thuquan.blogspot.fr/2014/09/hv-ebook-la-gi.html
(*04) Chữ của Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ (trang 74), Ca Dao xuất bản, Saigon 1969.