Rechercher dans ce blog
vendredi 15 septembre 2017
ùn tắc tiêu chí
"Đánh giá ùn tắc giao thông dựa trên tiêu chí kéo dài trên 30 phút mang tính chất định tính, chưa phù hợp với tình hình giao thông thực tế nên UBND TPHCM đề xuất bộ tiêu chí đánh giá mới."
Họ nói cái gì vậy cà? Chẳng lẽ phải theo lời ngài giám đốc VietNam Airlines về học lại tiếng Việt hay sao? (1) Mà sao lại lớ lớ như tiếng Bắc Kinh thế này!
"Ùn tắc", có chỗ viết "ùng tắc", biết là gì rồi, nghe mãi cũng phải quen đi chứ. Nhưng sao không nói là "kẹt xe" như ở Miền Nam trước đây, cho dễ hiểu một chút? Sao cứ phải "ùn tắc", "ùng tắc" hay là "ủng tắc 壅塞" như mấy người Tàu há?
Còn hai chữ "tiêu chí"? Lâu nay tràn lan như nấm dại, chẳng thua gì "xử lý" loạn cào cào.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM (2017) giải thích thêm ở dưới: "đó là tiêu chí đánh giá hiện nay về kẹt xe." (2) mà chẳng nói rõ gì hơn. Dù sao, cũng cám ơn ông đã dùng hai chữ "kẹt xe" thay vì "ùn tắc".
Thử tìm hiểu thêm về hai chữ "tiêu chí".
Gặp cái nhan đề to tướng như sau: "Bộ Giáo dục dự kiến 5 tiêu chí đánh giá sách giáo khoa." (3)
Đọc xuống đoạn dưới bài báo, có ông giáo sư nói thêm: "Ban thường trực đề án đổi mới giáo dục phổ thông đã đưa ra 5 tiêu chuẩn đề xuất đánh giá sách giáo khoa." (3)
À thì ra "tiêu chí" trong hai cái nhan đề ở trên chính là "tiêu chuẩn".
Nhưng đọc ở một chỗ khác, lại gặp câu sau: "Thủy Đông: Tập trung hoàn thành tiêu chí giao thông." (4)
Xin đọc thêm: "Giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí khó thực hiện của xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An trong xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, xã tập trung nguồn lực để hoàn thành tiêu chí này."
"Tiêu chí" ở đây ý muốn nói cái gì cà?
Xem đây: "Phấn đấu năm 2019 đạt chuẩn xã nông thôn mới, vì vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Thủy Đông đang nỗ lực hoàn thành những mục tiêu đề ra." (4)
Hóa ra, "tiêu chí" cũng là "mục tiêu" các bạn ạ.
Tóm lại, tiêu chí = tiêu chuẩn = mục tiêu (5)
Còn mấy chữ "tính chất định tính" trong cái nhan đề thứ nhất nghĩa là cái gì vậy?
Xin hẹn lần khác.
Chú thích
(1) Cách đây mấy năm, trả lời phỏng vấn một kí giả đài BBC tiếng Việt, về một vụ lôi thôi tham nhũng gì đó, ông giám đốc VietNam Airlines đã mắng người kí giả không nói thạo tiếng Việt.
(2) http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/an-toan-giao-thong/tp-hcm-danh-gia-lai-tieu-chi-khong-co-un-tac-vi-xe-van-nhuc-nhich-370670.html
(3) https://vnexpress.net/tin-tuc/giao-duc/bo-giao-duc-du-kien-5-tieu-chi-danh-gia-sach-giao-khoa-3210592.html
(4) http://baolongan.vn/thuy-dong-tap-trung-hoa-n-tha-nh-tieu-chi-giao-thong-a37221.html
(5) http://tieng-viet-dtk.blogspot.fr/2016/02/nhan-oc-mot-ban-tin-tren-internet-suy.html
tiêu chí: Xem các từ điển quen thuộc cũ — như Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh, Tự điển tiếng Việt của Hội Khai Trí Tiến Đức..., không thấy từ này. Tham khảo "Hán ngữ đại từ điển", "tiêu chí" có hai nghĩa: 1) Cột mốc, dấu hiệu riêng biệt, đặc trưng; 2) Đánh dấu, nêu rõ, chứng tỏ, cho thấy. Hai nghĩa này đều không thích hợp với từ tiếng Pháp "critères". Bản tin chữ Hán dùng từ "tiêu chuẩn" 標準 đúng nghĩa hơn. Như vậy, bản tin tiếng Việt đã lẫn lộn "tiêu chí" với "tiêu chuẩn".
jeudi 7 septembre 2017
ô nhiễm Việt Nam
"Ô nhiễm môi trường là hiện tượng môi trường tự nhiên bị bẩn, đồng thời các tính chất vật lý, hóa học, sinh học của môi trường bị thay đổi gây tác hại tới sức khỏe con người và các sinh vật khác." (01)
Người Trung Quốc nói là "ô nhiễm 污染" hoặc "hoàn cảnh ô nhiễm 環境污染" (dịch từ Anh ngữ hoặc Pháp ngữ: "pollution"). (02)
photo Internet |
Tuần báo Paris Match số 3563 (31/08/2017 - 06/09/2017) vừa đăng tải một bài về nhà nhiếp ảnh Trung Quốc Lô Quảng 卢广 (sinh năm 1961). Kinh hồn!
Trong vòng mấy chục năm, Trung Quốc đã trở thành siêu cường kinh tế thứ nhì thế giới.
Với một giá quá đắt cho toàn thể dân tộc của họ: Trung Quốc là một quốc gia ô nhiễm nhất trên thế giới ngày nay.
Những thành phố từ lâu không còn thấy ánh mặt trời, trong đó con người di động như những bóng ma, sông Dương Tử (lớn nhất Trung Quốc) chất đầy những chất hóa độc (kim loại nặng, kẽm, chì...), những khu làng ung thư mà người dân chỉ biết chờ chết trong đau đớn...
Lô Quảng từ năm 2005 cống hiến đời mình đi chụp hàng ngàn những bức hình chỉ nhìn qua cũng đủ lạnh mình.
photo Internet |
Hỡi ơi, từ 1925 đến nay, ông Hồ Chí Minh và đồng bọn vẫn tin theo một ý thức hệ hoang đường, làm tay sai cho đàn anh Trung Quốc đại lục, làm tan hoang đất nước Việt Nam ta như thế đó.
Chú thích
(01) https://vi.wikipedia.org/wiki/Ô_nhiễm_môi_trường
(02) https://zh.wikipedia.org/wiki/污染
Tham khảo
Amazing Pictures, Pollution in China
http://www.chinahush.com/2009/10/21/amazing-pictures-pollution-in-china/#
https://baike.baidu.com/item/卢广
http://smithfund.org/recipients/2009-lu-guang
ô nhiễm Việt Nam
https://www.youtube.com/watch?v=JLCxOcnrs8I
https://www.youtube.com/watch?v=WjIOCl3e5ec
vendredi 24 février 2017
Giới thiệu ebook song ngữ Hán Việt Tây Sương Ký 西廂記 Mái Tây
Lần đầu được nghe tên tác phẩm Tây Sương Ký là nhờ đọc bản Truyện Kiều do Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải, với những câu thơ bát ngát của Nguyễn Du.
Thí dụ:
Tiếng sen sẽ động giấc hòe,
Bóng trăng đã xế hoa lê lại gần.
hoặc là:
Bây giờ rõ mặt đôi ta,
Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao?
hoặc là:
Người lên ngựa kẻ chia bào,
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.
Tình cờ một hôm vào năm 1983, tôi mua được một bản Mái Tây ở tiệm tạp
hóa Pacific của một người lánh nạn cộng sản ở Franconville (Val d'Oise,
France). Gần mười năm sau biến cố Tháng Tư,
tâm thần người Việt còn dao động
mạnh. Và nhu cầu tìm đọc sách báo tiếng Việt rất lớn.
Tự nó, bản dịch Mái Tây đã là một áng văn chương lai láng khôn hàn:
Non xanh chẳng nể nang nhau,
Rừng xanh thôi cũng ra mầu khẩy trêu!
Mịt mùng sương bạc khói chiều,
Người đi ta biết trông theo lối nào?
Lên xe mà dạ xôn xao,
Về sao chậm chạp? Đi sao vội vàng?
Tà tà bóng ác xuyên ngang,
Nào nghe người nói, trên đường cái quan.
Mông mênh đồng lúa xanh rờn,
Còn nghe ngựa thét trong làn gió thu!
Nhưng gần đây, bỗng dưng tôi lại muốn tìm bản Hán văn đọc thử và so sánh với bản dịch của Nhượng Tống xem sao.
Hình như mấy câu thơ của Vương Thực Phủ trích dẫn trong cuốn Truyện Kiều nói trên cứ mãi vi vút trong đầu.
Chẳng hạn:
Dữ ngã thật thị minh bạch, an tri bất thị mộng trung lai 與我實是明白, 安知不是夢中來.
Thời điện tử Internet, điều đó chẳng khó gì, có cả hàng chục trang web cho đọc tự do, cả bằng tiếng Hán và tiếng Việt.
Thật bất ngờ, lần này tôi phát hiện một số từ ngữ (trong bản dịch của Nhượng Tống) hơi khó hiểu, mà trước đây không hề để ý. Chúng tôi cố gắng chú thích những từ ngữ này, dựa theo bản Hán văn và những tham khảo trên Internet.
Ngoài ra, dò theo cuốn sách tiếng Việt có sẵn, tôi cũng nhận ra một tình trạng bê bối trong các văn bản tiếng Việt: đầy những lỗi sao chép, nếu không là những sửa đổi bừa bãi (*01).
Bản song ngữ Hán Việt (*02) giới thiệu ở đây làm theo dạng hv-ebook, nghĩa là người đọc, khi cần, có thể click lên mỗi một chữ Hán trong trang blog để dẫn tới trang giải thích tương ứng trong http://www.vietnamtudien.org/hanviet/ (*03).
Bây giờ mới thật hiểu lòng ông Thánh Thán đã xếp cuốn Tây Sương Ký vào Lục tài tử thư Trung Quốc.
Và càng đọc bản dịch "phi phàm" (*04) của Nhượng Tống, lại càng xót xa cho nền văn học nước nhà. Từ cuộc Cách mạng mùa Thu, bao nhiêu thiên tài dân tộc (Khái Hưng, Nhượng Tống, Văn Cao, Vũ Hoàng Chương, ...) — nếu không bị sát hại thì cũng bị trù giập tàn tệ suốt đời.
Chú thích
(*01) Tình trạng ấn hành cẩu thả những tác phẩm văn học vẫn đầy dẫy trên thị trường sách báo từ 1975 cho đến bây giờ. Hãy so sánh các bản in những bộ sách trước và sau 1975. Chẳng hạn: Xứ Trầm Hương của Quách Tấn, Thiền Luận (3 cuốn) của Suzuki, Mái Tây (Nhượng Tống dịch), v.v.
(*02) http://hv-ebook-taysuongki.blogspot.fr/
(*03) Xem http://hv-ebook-thuquan.blogspot.fr/2014/09/hv-ebook-la-gi.html
(*04) Chữ của Bùi Giáng, Đi vào cõi thơ (trang 74), Ca Dao xuất bản, Saigon 1969.
Inscription à :
Articles (Atom)