Rechercher dans ce blog

jeudi 21 janvier 2021

lại nói tốt, vẫn làm tốt

 

(2014/02/14)

Mấy hôm nay người ta chuyển cho nhau xem trên mạng Internet một bản tin về một phụ nữ gốc Việt, làm xướng ngôn viên tin tức đài truyền hình NBC, vừa đoạt giải hoa hậu tiểu bang Nebraska ở Hoa Kì. Bản tin (*) ngắn, phần chính là những bức ảnh chụp, kèm theo mấy câu dẫn giải.

Đọc đến câu: "Theo thông tin trên kênh NBC, Hoang-Kim Cung nói tiếng Việt rất tốt và cô thường thích hát những bài hát Việt Nam trong các sự kiện cộng đồng", tôi khựng lại ngay ở mấy chữ tô đỏ.

Một bức hí họa xem mấy chục năm về trước vụt hiện ra trong đầu:


ThầyNoi khong dau moi la noi tot (Nói không dấu mới là nói tốt).
TròThe sao thay mang dau lam gi (Thế sao thầy mang dâu (= râu) làm  gì)?


Bức tranh, tôi nguệch ngoạc vẽ lại theo trí nhớ. Nhưng hai câu nói, vẫn còn như in trong óc.


Bối cảnh bức hí họa là cuộc tranh luận vào những năm 1945-1954 về việc nên đánh dấu chữ viết (sắc/huyền/hỏi/ngã/nặng) như người ta vẫn quen thuộc, hoặc nên thay bằng vài kí hiệu thêm vào phía sau mỗi chữ, chẳng hạn: s = dấu sắc, h = dấu huyền, n = dấu ngã... (nguyên tắc đại khái như vậy). Vấn đề đem ra thảo luận, hình như là vì máy đánh chữ vừa mới được đem vào Việt Nam thời bấy giờ, và người ta lúng túng không biết phải gõ dấu chữ Việt ra sao. Sự việc cũng tương tự như thời kì 1980-1990 không biết cách gõ tiếng Việt có dấu trên máy điện toán.


Nhưng điều làm tôi khựng lại khi đọc bản tin trên đây, thực ra là ở hai chữ "nói tốt". Nghe thật nghèo nàn, èo uột nếu không bảo là ngô nghê, dốt nát.


Tôi vẫn tự hỏi: Cái lối nói: "học tốt", "làm tốt", "lao động tốt"... không biết xuất hiện từ bao giờ? Có người đưa ra ý kiến này có vẻ hợp lí: Chữ "tốt" đó là do các cán bộ Việt Minh viết những khẩu hiệu tuyên truyền, bắt chước thực dân Pháp hay nói trên cửa miệng: "Bon bon", "C'est bon", "Très bien", v.v.


(2021/01/22 viết thêm)
Đọc tin tức báo chí Tàu bây giờ, thấy rất nhiều 2 chữ "tố hảo" 做好, "tố hảo" 做好... Làm tốt, làm tốt...  Ôi thôi, vênh vang đánh Pháp, đuổi Mĩ... rốt cục cũng chỉ rúc cột lòn trôn từ Mao đến Tập mà thôi. (xong đoạn viết thêm)


Cùng với sự áp đặt cách nói/viết rập khuôn tiếng Tàu từ 1975 trên khắp đất nước Việt Nam, cái lối nói/viết èo uột nghèo nàn "tốt tốt" như trên sẽ tồn tại tới bao giờ?

Tiếng nói đâu phải chuyện tầm thường. Cả một truyền thống văn hóa, thần trí dân tộc hiển hiện ra ở đó. Tiền đồ đen tối hay sáng sủa là ở trong tiếng nói người dân.



Chú thích:
(*) http://alobacsi.com/thoi-su/mc-goc-viet-chien-thang-hoa-hau-tieu-bang-o-my-a2014112406484782c160.htm









dimanche 3 janvier 2021

vấn đề chú giải Truyện Kiều

 

Truyện Kiều là một tác phẩm được chú giải nhiều chưa từng có trong văn chương nước nhà. Không biết có bao nhiêu cuốn sách hoặc websites chú giải Truyện Kiều, ngày hôm nay đây, vào đầu năm 2021 của thế kỉ XXI.

Trong những cuốn sách chú giải Truyện Kiều, có lẽ cuốn sách của hai học giả Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim (*01), cho đến nay, vẫn giữ một chỗ đứng cao quý nhất. Bùi Giáng khen hai nhà học giả có công "hoằng đại âm thầm". Hoàng Hải Thủy, người say mê Truyện Kiều từ nhỏ, đã từng làm thơ vịnh, "bàn loạn" về Truyện Kiều, ngay cả khi nằm trong nhà tù cải tạo, đã cho biết ông ấy ôm theo cuốn sách này gần hết một đời người. Sau 1975 và cho đến bây giờ, Nhà nước XHCN chẳng làm gì hơn là in đi in lại từ bao nhiêu năm nay cuốn sách này, theo bản in lần thứ 8, bản cuối cùng của nhà in Tân Việt, miền Nam xưa (*02).

Xét về công trình chú giải của Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim, về mặt giải thích những thành ngữ chữ Hán hoặc những điển cố, nhất là điển cố trong văn học chữ Hán, coi như khá đầy đủ (dĩ nhiên không tránh khỏi ít nhiều sai sót). 

Nhưng, đúng như nhận xét của Nguyễn Hiến Lê & Trương Văn Chình, để giúp người đọc hiểu thấu đáo Truyện Kiều hơn nữa, các nhà học giả cần phải thêm vào những chú thích dựa theo ngữ pháp tiếng Việt (chẳng hạn: những phép đảo ngữ, lược ngữ, hư vấn, v.v.) (*03).

Tuy nhiên, khi bắt tay vào việc, các nhà chú giải còn gặp một vấn đề nan giải, nhất là cho những từ ngữ tiếng Việt nằm ngoài dòng ngôn ngữ chữ Hán. Vì một lí do chính, đó là một tình trạng kéo dài đã quá lâu, — chúng ta rất thiếu từ điển đầy đủ cho tiếng Việt, nhất là vấn đề nguồn gốc từ ngữ (étymologie) (*05). Thỉnh thoảng, trong những sách chú giải Truyện Kiều, người ta vẫn gặp vài câu khẳng định chữ này nghĩa là thế này thế nọ mà không hề có một cơ sở nào đáng tin cậy.

Ngoài ra, trong một số trường hợp, những câu thơ Truyện Kiều viết bằng chữ Nôm, đọc âm quốc ngữ là như thế như thế, nhưng người đọc không thật hiểu ý Nguyễn Du ra sao.

Xin đưa ra một thí dụ mới gặp hôm qua.

2273. Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

2274. Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.

Đây là 2 câu thơ tả cảnh Từ Hải tự cưỡi ngựa ra trước đại bản doanh tiếp đón nàng Kiều vừa được kiệu vàng đưa đến.

Tản Đà đọc đến đây liền than: Không hiểu Nguyễn Du ý nói gì. Sao là "rỡ mình"? Sao lại "lạ vẻ cân đai"?

Tôi mạo muội tìm trong văn mạch đoạn này để thử tìm cách hiểu nào cho thích hợp hơn chăng.

Hai câu thơ này nằm trong đoạn miêu tả anh hùng Từ Hải, sau khoảng một năm trời vùng vẫy giang hồ, vừa thắng trận trở về.

Trước đó, Từ Hải đã cho mấy võ tướng của mình đem đầy đủ nghi trượng dành cho một phu nhân bậc vương hầu, đi rước nàng Kiều:

2263. Cung nga thể nữ nối sau,

2264. Rằng: Vâng lệnh chỉ rước chầu vu quy.

2265. Sẵn sàng phượng liễn loan nghi,

2266. Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng.

2267. Dựng cờ nổi trống lên đàng,

2268. Trúc tơ nổi trước kiệu vàng kéo sau.

Từ Hải ra đón, mặc phẩm phục mũ và dải lưng (cân đai) hết sức trịnh trọng. 

Đấy là ý nghĩa của những chữ "rỡ" và "cân đai" trong câu "Rỡ mình lạ vẻ cân đai". Câu này giao hòa với hình ảnh trang phục của Kiều trong câu "Hoa quan phấp phới hà y rỡ ràng".

Thế nhưng tại sao Kiều lại lấy làm "lạ"? 

Thưa là ở chữ "xưa" trong câu 8 chữ "Hãy còn hàm én mày ngài như xưa".

Lần đầu tiên gặp mặt Từ Hải, chân dung người anh hùng hảo hán là đây:

2167. Râu hùm hàm én mày ngài,

2168. Vai năm tấc rộng thân mười thước cao.

Đấy là ý nghĩa 2 chữ "hãy còn" trong câu "Hãy còn hàm én mày ngài như xưa".

Vì Kiều nhận ngay ra Từ Hải của mình xưa ở ngay cái tướng "phong hầu vạn lí" (hổ đầu yến hạm 虎頭燕頷).

Sau một năm trời xa cách:

2247. Cánh hồng bay bổng tuyệt vời,

2248. Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm.

Hôm nay bất ngờ gặp lại người xưa, cân đai trịnh trọng, thì ta không lạ gì, khi Kiều ngờ ngợ, sẽ lấy làm "lạ vẻ" như trong 2 câu thơ đã dẫn:

2273. Rỡ mình lạ vẻ cân đai,

2274. Hãy còn hàm én mày ngài như xưa.


DTK


(2020/01/03)



Chú thích

(*01) Truyện Thúy Kiều, Nguyễn Du, Bùi Kỷ & Trần Trọng Kim hiệu đính và chú giải, Nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, 1995, Saigon, Việt Nam.

(*02) Hoàng Hải Thủy: Vịnh Kiều Tại Ngục

(*03) Trương Văn Chình và Nguyễn Hiến Lê

(*04) http://vietnamtudien.org/vanhoc/tk_kieu.php?page_no=190

(*05) Từ điển nguồn gốc tiếng Việt, Nguyễn Hy Vọng, Nhà xuất bản Đất Việt, USA, 2013.