Rechercher dans ce blog

samedi 28 juillet 2012

một cảnh thu muộn


Hình như năm nay thu nó về sớm hơn mọi kỳ,  phải không hở anh Cử? Mặc phủ ra ngoài chiếc áo the,  ông già sáu mươi vừa cài hết hàng khuy hổ phách nơi tà áo chiếc áo lụa Nguyễn ruộm màu tím than đã bợt, vừa ngẩng đầu hỏi người con thứ hai đang soạn bộ đồ trà cho cha uống tuần nước buổi sớm mai.
Cậu Cử mở qua loa cuốn lịch, thưa lại:
—Thưa thày, lập thu vào ngày mồng một tháng bảy.
Nhổ ngụm nước tống khẩu vào ống phóng sứ, ông già sáu mươi kêu: "Thảo nào?" Và hỏi tiếp:
—Đến tháng tám này là đúng vào ngày đầy tuổi tôi con bé cháu Tố Tâm đấy nhỉ?
—Dạ thưa thày vâng.
—Một năm đủ mười hai tháng. Lên một, Tố Tâm nó chơi đèn được rồi đấy. Năm nay anh Cử có định bày cỗ cho các cháu chơi tết Trung Thu không?
photo Internet
Giữa lúc ấy, dưới nhà có tiếng trẻ khóc bú và tiếng đàn bà ru con: "À ơ... Tâm ơi, Tâm ngủ đi Tâm... Để mợ, ra đầm, gánh nước tưới hoa...  à ơ."
Ông già tỳ cùi tay lên gối xếp da quang dầu, vuốt chòm râu bạc, nhìn ra cơn heo may đang lay bức mành và làm gật gù mấy bông cúc nơi chậu cây cảnh ngoài sân. Ông già nét mặt nghiêm trang, bảo cậu Cử:
—Các con gọi tên con cái, nên gọi cho đúng. Tên cháu là Tố Tâm thì phải gọi đúng như thế. Sao lại ăn bớt đi một chữ. Không thể bảo như thế là tiện là dễ gọi được. Con nên bảo vợ con, không có người ngoài người ta cười đến ông con mình, đến cả nhà mình.
Cậu Cử vội chạy xuống nhà rồi lại chạy lên ngay. Nói tiếp về việc cỗ bàn tháng tám do ông cha già gợi lên, cậu Cử thưa:
—Đã đến mấy năm nay, nhà ta bỏ mất cái tục lệ ấy. Cứ kể có bày ra lại, nó cũng vui nhà.
Dưới nhà lại vẳng đưa lên cái giọng ru con ban nãy:
"À ơ, Tố Tâm thừa chút hương trời...  à ơ ư."
Ông cụ già bằng lòng. Vì người con dâu thứ ở nhà dưới ru trẻ theo cái ý của ông già vừa ngỏ với cậu Cử. Cậu Cử cũng hài lòng vì vợ đã thuần phục, biết nghe lời gia huấn. Không những thế, mợ Cử còn tỏ ra là người có chút chữ và võ vẽ thi ca nữa. Vì con gái út là một thứ hương thơm bắt được của trời! Câu ru em đượm đượm nồng mùi thơ.
Thằng Ngộ Lang, đứa con đầu lòng lên bảy tuổi, chạy lên mách với cậu Cử:
—Em Tố Tâm ngủ rồi cậu ạ.
Rồi nó leo lên sập, nhẩy vào lòng ông nội, cũng đòi uống trà tầu. Cái lối chạy lên làm nũng ông nội như thế, ở người thằng Ngộ Lang đã là một thói quen được ông nội thỏa nhận. Ông già sáu mươi yêu cháu vô cùng. Có khi ông lại đọc cả đến những bài thơ chữ Hán để cho đứa trẻ sớm thông minh kia ngồi nhại mình. Nhớ được một hai câu ngũ ngôn ngăn ngắn, nó lại chạy xuống bếp túm dải yếm mẹ và đọc sai gần hết để mợ Cử lại phải phì cười chữa lại thành âm từng chữ một. Từ khi cụ Thượng Nam Ninh không ở chức Tổng đốc vùng xuôi, từ khi cụ về trí sĩ ở Hà Nội tại cái nhà ngói chật hẹp phố hàng Gai này, thằng Ngộ Lang đã là một cái vườn cảnh cho cụ vui cái thú điền viên. Cụ khen đứa cháu cụ là dĩnh ngộ và chiều nó đến nỗi mỗi bữa rượu sớm, mỗi tuần trà trưa, cụ đều cho Ngộ Lang ngồi kèm một bên, tuy đã mấy mươi lần vợ chồng nhà Cử Hai hết sức van xin ông đừng nuông cháu quá, sợ Ngộ Lang đâm ra hỗn. Cụ Thượng mỗi lúc phật ý, thường bảo dâu và con nếu không để cho cụ như thế thì cụ vào ở trong huyện Thọ Xương vậy. Vợ chồng cậu Cử không biết làm thế nào, đành cứ phải để Ngộ Lang mặc sức quấy và làm nũng ông nội đến thiu cả thịt ra. Cụ Thượng cười và thôi không dọa vào ở trong huyện Thọ Xương, nơi mà người con trai cả lỵ đã mấy năm nay. Thực thế, cái ý vào ở với cậu Cử Cả, giờ là một ông quan lệnh, ý đó chỉ là một lời dọa. Ông lệnh Thọ Xương đã mấy mươi lần đem cả vợ con đến tòa nhà cũ hẹp phố hàng Gai để rước cụ Thượng vào trong huyện ở cho mát hơn, rộng hơn. Không trả lời ra sao, cụ Thượng chỉ bảo ông huyện Thọ Xương:
—Lần sau, anh được lúc việc quan thanh thản, có ra chơi ngoài phố này với thày, đừng có nên đem lính ra nhé. Ồn lắm. Chúng nó có sinh vào đời vua Lê chúa Trịnh, thì cho gia nhập thêm vào cái đám Kiêu binh Tam phủ được đấy. Thày rất sợ hàng phố người ta nói vào.
Mấy lần sau ra thăm cha, ông huyện Thọ Xương không dám đem mấy tên lính ậm oẹ ra theo nữa, nhưng đả động đến việc cũ, thì chỉ thấy cụ Thượng trả lời:
—Thày ở đâu thì cũng thế. Miễn là được tĩnh mạc, yên ổn là hơn cả. Anh cũng rõ cái tính tôi vốn sợ cái bọn lính hầu cận và lại hay tránh sự giao thiệp. Tôi tưởng ở vào tư thất một huyện nha nó phiền nhiễu lắm. Thôi anh cứ để tôi ở ngoài này.
Ông Huyện Thọ Xương biết cha mình có bụng yêu chú Cử em hơn nên kiếm cớ ra như thế, bèn nói dỗi:
—Dạ, con tưởng hồi trước thày còn ở chức, sự giao thiệp và đưa đón những tạp khách cũng nhiều lắm, và nhiều không kể cho hết được, lại là những cái gai trước mắt của toán lính hầu cận thày. Một cái dinh Đốc bộ đường, thưa thày, sai nha không phải là ít. Vậy mà con không thấy thày phàn nàn bao giờ cả.
Cụ Thượng hiểu ý, cười:
—Bởi thế cho nên tôi mới thèm đến sự an nhàn lúc được dưỡng lão. Vả lại thày ở ngoài này nó quen đi rồi. Bao giờ anh được lui về vườn và nếu trời còn cho thày sống một vài giáp nữa, ông con ta sẽ ở chung để sửa sang một cái vườn có đủ hoa bốn mùa. Anh không lo rằng chậm. Thôi, cứ để thày ở ngoài này.
Cụ vừa trả lời ông huyện Thọ Xương, vừa nhìn ông Cử Hai đứng sau người anh, có ý bảo thầm người con thứ rằng: "Bao giờ thày cũng chỉ muốn ở với con, bởi vì con có tâm hồn giống như ta."
Rồi ngắt sang câu chuyện khác, Cụ hỏi:
—Các anh có nghe thấy ở các phường người ta đồn về cái tin đức Thành Thái ngự du ra khánh thành cầu Bồ Đề với quan Toàn quyền Đô Mỹ như thế nào không? Chắc ông huyện thì rõ hơn là em Cử nó ít được thông tỏ mấy. Mấy nhịp cầu tất cả nhỉ?
Thường mỗi một lần từ chối lời mời mọc chí tình của người con cả, ông già lại có một câu chuyện đánh trống lảng như thế, để giữ lấy hòa khí trong đám "anh em chúng nó". Cùng là con cả, nhưng cụ Thượng đã thấy rõ ông Cử Cả, tức là ông huyện Thọ Xương đương chức kia, là một người có tâm thuật rất hèn kém. Cũng là một giọt máu sinh đôi mà sao ông Cử Cả và ông Cử Hai không giống nhau lấy mảy may, từ quan niệm nhân sinh cho đến nhất cử nhất động nhỏ nhặt hằng ngày. Cụ Thượng tin rằng khi cụ trăm tuổi đi rồi thì ông huyện Thọ Xương dám làm mọi chuyện phương hại đến gia thanh. Cái người ấy, thường cụ vẫn hạ mấy chữ: vô sở bất chí, những lúc nghĩ riêng mình với mình: "Ta nằm xuống, là thằng này sẽ làm mất hết những chính tích hay trong một đời làm quan của ta". Bởi thất vọng về người trưởng nam đã tìm được lối xuất thân, cụ càng nghĩ mà thương và yêu người con thứ. Cũng là thân danh một ông Cử nhân có vợ, có con, mà vẫn còn đơn giản như còn để chỏm. Ông Cử Hai có khoa mà không có hoạn, và cái khoa mục ấy giá không nói ra thì không ai biết. Người có hoa tay, thêm được chút tâm hồn lãng tử , nên ông Cử Hai sống cuộc đời mình như người ta chơi chơi vậy thôi. Người ấy thật là một người không có lấy một giây phút trịnh trọng đối với nhân sinh. Ông ta sinh ra để mà đùa với cuộc sống và bắt đầu từ việc đem ngay cái tài hoa của mình ra để mà đùa nhả với sự nghiệp thân thế mình. Hồi cụ Thượng còn ngồi nhậm ở dưới Sơn Nam Hạ, cái gia đình lớn ấy chưa quy về một mối, ông Cử Hai quanh năm đi dạy học ở bốn tỉnh tứ chính Đông Nam Đoài Bắc. Không cần phụ huynh học sinh xử hậu hay bạc, không cần địa phương ấy là có đất văn tự hoặc dân ấy là có nếp văn chương muốn cầu học chữ của thày, có khi tới ở đó ít ngày, ngồi giảng bài chưa ấm phòng học, ông đã quảy khăn gói tráp điếu lên đường. Người tuổi tác có hỏi, ông trả lời là vì cảnh ấy không dung được người: "Bậc trượng nhân thử nghĩ, cái gì mà nước chỉ chảy xiết không bao giờ tụ; cây trồng đến ba năm bói không có quả; ớt nhấm không thấy cay; hoa chỉ có mùi thơm về phần đêm; núi chỉ bằng đầu chứ không có chỏm nhọn, và mây trời không bao giờ hiện đủ năm sắc. Cảnh như thế tôi ngồi mà làm gì. Chữ thánh hiền không phải ở chỗ nào cũng bố thí được."
Ông Cử Hai đi dạy học, đã lấy cái việc dạy học làm như một hồ khẩu mà y như đi ngoạn cảnh hoặc đi dâng hương ở các đền chùa cổ tích. Và những lúc mỗi chân phải ngừng ở lại các thôn ổ, ông lại còn thỉnh thoảng ngừng cả cái miệng giảng sách hoặc ngừng chấm nét son lên quyển bài để đề một bức châm lên lá quạt tặng một ông bạn đồng song, để khắc chữ triện và chạm trổ một hòn đá sù sì cho thành một con thạch ấn, để dúng ngón tay trỏ vào chậu mực vẽ một bộ tứ bình thủy mặc có hình đủ bốn thứ cây cỏ tứ hữu: cúc, trúc, lan, mai, treo chơi trên vách đất quán trọ nơi ngồi dạy học.
Gần ngày tết nhất, người trưởng tràng lúc thu xong sổ đồng môn, chỉ khổ lên vì đi tìm thày. Tết mồng ba, ông Cử Hai đã trốn khỏi nhà trọ từ hôm trước để đi ăn hàn thực và đi hội đạp thanh với các bạn sính làm thơ tức cảnh. Tết Đoan Ngũ, ông lên núi hái lá thuốc, những mong được gặp tiên. Tết Trung Thu, ông lên Chùa Thày ngắm trăng Chợ Trời họp trên đỉnh núi Sài Sơn. Gần tết Nguyên Đán, nếu chưa về nhà, thì ông ẩn ở trong một mái đình vắng nào để gọt cho hết một lắp thủy tiên. Cái hành tung của người nghệ sĩ không chịu sống cho người và hùa theo với người chung quanh ấy, thực khó mà dò hỏi. Lùng tìm cái dấu bàn chân một chính khách thất quốc lúc vượt bể ra ngoài mưu việc lớn, thực còn dễ hơn đi đuổi theo ông Cử Hai những lúc hứng giang hồ ở người ông nổi dậy.
Từ ngày cụ Thượng nghiêm phụ về trí sĩ ở Hàng Gai Hà Nội, ông Cử Hai không tha phương làm ăn nữa. Ông ở riệt ở nhà chép lại cuốn gia phả và sao được bao nhiêu pho kinh mượn trên chùa Trấn Quốc cho cha.  Thế rồi mợ Cử sinh hạ thêm được con Tố Tâm. Trước ngày ở cữ Tố Tâm, vườn lan nhà cụ Thượng Nam Kinh ở Hàng Gai nở mấy chậu vừa Tiểu Kiều Đại Kiều. Cụ Thượng cha gọi thế là lan báo hỉ và đặt luôn tên cho cháu gái là Tố Tâm. Mợ Cử Hai thấy chồng không ra mặt bất đắc chí và phẫn uất với buổi giao thì nữa, chỉ ngày ngày thờ cha già và chơi với Ngộ Lang và Tố Tâm, cũng vui cười hả hê thêm lên và có một hôm đã dám ru con rất to, như rót vào tai chồng:
Ba năm lưu lạc giang hồ
Một ngày tu lại, cơ đồ vẫn nên.
Thằng Ngộ Lang và con Tố Tâm ngoan vô cùng. Thằng anh rất mến em, nhiều khi cắn cả má em để cho em vừa khóc vừa theo, ồn ào và dễ thương lạ. Con Tố Tâm chưa đầy tuổi tôi, mà má đã lúm đồng tiền, mà mắt đã trong như nước hồ thu. Ngắm con gái, anh hoa đã sớm lộ hết ra ngoài, mợ Cử Hai có điều ngài ngại. Buồn một cách thoáng qua thôi. Chỉ có một lần thằng Ngộ Lang làm cho mẹ nó buồn sợ hơn hết là một buổi tối, nó vén màn the lên, kéo mẹ nó đến gần cửa song có con tiện chỉ cho mẹ nó xem một vầng trăng sớm ló lên đầu hồi nhà.
—Mợ ơi, ra đây mà xem ông giăng.
—Ông giăng làm sao?
—Ông giăng đẹp lắm. Có hai cái sừng nhọn.
—Thế thì đẹp gì. Ông giăng có tròn thì mới đẹp chứ!
—Tròn hẳn không đẹp mợ ạ.
Từ lúc ấy, thằng Ngộ Lang cứ vắt tay lên trán như một người lớn suy nghĩ nhiều. Mỗi lần mẹ nó bảo bỏ lá màn xuống cho khỏi muỗi thì nó lại sụt sịt khóc. Và nó cứ vắt tay lên trán nhìn vầng trăng lên mỗi lúc một cao. Ông Cử Hai vừa về, nó nhảy choàng dậy, vui mừng hơn một người đứng tuổi khi tìm được một tâm hồn bầu bạn, nó lôi tay bố nó sềnh sệch đến chỗ chấn song, chỉ vầng trăng bạc có sừng và nói:
—Ban nãy ông giăng khéo hơn bây giờ kia cậu. Ngộ Lang nằm chờ mãi mà không thấy mây che lấy ông giăng của Ngộ Lang. Thế đêm nay có mây không hả cậu?
Vợ chồng ông Cử Hai nhìn nhau hồi lâu và chốc chốc lại liếc qua Ngộ Lang đang đứng bần thần bên cửa sổ có ánh trăng xuyên qua. Người vợ hình như lấy cặp mắt lo lắng bảo thầm chồng: "Tính di truyền giọt máu nhà lại bắt chúng ta cho ra đời một tên tài tử nữa rồi", để cho người chồng nghĩ thêm rằng: "Đời thằng Ngộ Lang rồi cũng chỉ đến lăng băng mà thôi. Cái vầng trăng lưỡi liềm kia sau này còn lôi kéo cái ngây thơ, thơ mộng ấy đi xa lắm. Việc ấy cũng là số mệnh định cả và điềm ra như thế. Biết làm sao bây giờ."
Qua ngày tết Trung Nguyên, ông Cử Hai để tâm vào việc sắm cỗ tết Trung Thu cho hai trẻ Ngộ Lang và Tố Tâm và vợ chồng cũng quên cái việc Ngộ Lang mê cái bóng giăng đêm trước.
Mấy hôm nay ông Cử Hai lo chạy lăng quăng suốt ngày như một người bận rộn nhiều lắm. Chốc chốc lại tha về mấy cái mai con cá mực, hoặc ít mụn nhiễu đủ các màu tươi thắm và bao nhiêu là giấy hàng mã cùng là que nứa và dây lạt. Ông Cử Hai, một người tài hoa giang hồ, đến cái tuổi chán sự bay nhảy và hằn học với hiện tại, đã nghĩ đến chuyện vui cùng gia đình.
Người ấy đã hồi tâm lại, mong gây cái êm ấm cho gia đình vào một ngày tết cho con trẻ. Người ấy, ít ngày trong cữ cuối tháng mạnh thu, đã đi kiếm vật liệu để làm cho lũ con cái đèn xẻ rãnh. Từ trước tới giờ cái người ấy có sao Thiên Cơ chiếu vào hoa tay, chỉ đi làm đèn xẻ rãnh ở những chỗ đầu sông ngọn nguồn cho các thứ trẻ con thiên hạ , hồ mong trả hết cái nợ áo cơm cho những kẻ dung nổi mình vào những ngày tháng bẽ bàng mà người ta chỉ sống khắc khoải để thở cho dài một hơi men nồng.
Mấy ngày liền liền, ông Cử Hai nghĩ mãi để tìm một cái đầu đề mới lạ cho đèn xẻ rãnh. Hay là lấy sự tích Tam Quốc ra làm? Ông không thấy hứng lắm bởi vì đã đến ba bốn lần ông mượn tích Tam Quốc rồi. Người ta còn nhắc mãi đến bây giờ cái đèn xẻ rãnh của ông hồi mấy năm về trước, diễn cái tích "Triệt Giang phò A Đẩu" lúc Triệu Tử Long nhảy sang thuyền Tôn Phu Nhân trên sông Ngô, trông cứ như thật. Cái tài làm đèn xẻ rãnh của ông được nổi tiếng truyền ra xa rộng qua một vùng Kinh Bắc là từ cái đèn "Triệt Giang phò A Đẩu" ấy. Cái tác phẩm ấy, ngày nay ông Cử Hai không còn nhớ ra được là đã vào tay ai. Đến cái hình hài ông vào hồi ấy cũng còn là chuyện bỏ qua, huống hồ là một công trình tiểu xảo ấy thì ai đi nhớ mà làm gì.
Mấy hôm nay ông nghĩ đầu đề làm đèn xẻ rãnh cho thằng Ngộ Lang, thực khó hơn là tìm vận thơ gieo cho một bài bát cú phú đắc. Chưa biết nên diễn cái tích gì, ông, hết ngày ấy sang ngày khác, chỉ ngồi bóc sẵn hạt bưởi và chẻ những hạt na ra từng hai mảnh một. Hạt bưởi xâu vào que phơi khô, tức là những cây nến cắm vào đèn giấy cho lũ trẻ con nhà thanh bạch chơi đèn ngày rằm. Hạt na phơi nỏ nắng, sẽ là những cái đóm rất tốt, rất thơm cho người ăn thuốc lào sự tiết kiệm và gọn ghẽ. Hút bằng ruột gà khét lắm.
Cụ Thượng nướng đỏ cái tiêm sắt vào ngọn đèn thổ hà, xiên mũi tiêm nóng vào lòng hạt na, hút một điếu thuốc lào, thở khói phào. Mảnh hạt na vừa tàn thì tro thuốc nơi nỏ điếu cũng vừa tụt gọn vào điếu. Gọn gàng và ngon lành đến thế là cùng.
Cụ Thượng hỏi ông Cử Hai:
—Thế anh đã nghĩ làm đèn thế nào chưa?
—Con định hỏi lại thày về cái tích này xem có nên không. Là diễn một tích trong truyện Ngô Việt Xuân Thu, lúc Phạm Lãi đem Tây Thi sang dâng Ngô Phù Sai.
—Ừ, Phạm Lãi gặp Tây Thi giặt lụa ở bến Trữ La, hồi này có thú vị đấy. Nhưng anh Cử định diễn đoạn nào? Phải làm những quân gì? Đừng nên làm nhiều quân lắm. Cái sức luân chuyển của tán đèn đốt lửa chỉ có chừng độ thôi. Nếu dùng nhiều quân quá,  sức máy gạt ngang sẽ yếu đi nhiều.
—Con đã nghĩ rồi. Cái rãnh chính là dùng để hình dung một con sông chảy từ đất Việt sang đất Ngô. Ở rãnh phụ ấy đặt một cái máy gạt ăn vào hai hình quân là Ngô Phù Sai và Ngũ Tử Tư. Ở nơi góc bên trái, cũng ở một cái rãnh phụ nữa, lại một chiếc gạt ăn vào một chiếc thuyền ở trên có hình Phạm Lãi ngồi. Ở cái rãnh chính thì có chiếc thuyền lớn. Đấy là thuyền Tây Thi tiến Ngô.
—Thế anh cho các quân ấy chạy và gặp nhau như thế nào?
Ông Hai Cử dúng ngón tay trỏ vào cái đĩa dảm sứ có nước, vẽ xuống mặt án thư mấy hình phác họa vị trí của từng quân đèn xẻ rãnh.
—Thưa thày khi tán đèn quay, thì cái thuyền Tây Thi đi từ phía trái sang phải. Khi thuyền gần tới hòn giả sơn, động đến cái máy gạt có cần thép ăn vào hai quân Ngô Phù Sai và Ngũ Tử Tư, thì hai hình này cử động. Ngô Phù Sai sẽ ưỡn mình ra phía sau như là ngắm kỹ nàng Tây Thi ở trong cái thuyền tiến cống đang đi thấu vào bờ cõi nước Ngô. Còn hình Ngũ Tử Tư thì cử động hai tay như ôm lấy Phù Sai, can ngăn không nên thâu nhận lấy cái họa Tây Thi. Về phía bên trái cỗ đèn, khi thuyền Tây Thi vừa lướt qua cái trục máy gạt ở rãnh phụ phía trái thì chiếc thuyền con có Phạm Lãi lộn ngược đi khuất vào góc đèn. Thày nghĩ thế nào?
—Anh dàn quân thông đấy. Thành ra hết... bốn quân Tây Thi, Phạm Lãi, Phù Sai, Ngũ Tử Tư, ừ, bốn quân và... hai con thuyền. Chưa lấy gì làm nặng quá sức quay của tán đèn. Có thể thêm một quân nữa.
—Ý thày muốn thêm một quân Thái Tể Bá Hy nữa, thưa thày phải thế không? Vâng,  có cái ông Thái Tể nữa vào nó cũng vui trò. Phải thêm một cái máy gạt nữa cho cái ông nịnh thần vong quốc này. Lúc thuyền Tây Thi đến, trong truyện, chính Thái Tể Bá Hy ra đón Tây Thi, và từ đấy, đã gây được công trạng lớn trong sự đưa Ngô vào đường diệt vong theo đúng cái ý của Việt Vương Câu Tiễn.
Cụ Thượng và ông Cử Hai ra công làm năm quân ấy cho chiếc đèn xẻ rãnh lấy tên là "Ngô Vương cự gián nạp Tây Thi".
Công việc chẳng có gì, vậy mà cũng mất đến hơn mười hôm. Ông Cử Hai tìm những mẩu nến bạch lạp rất to cháy còn thừa lại trên đầu các đèn nến thiếc Sông Ngâu nơi bàn thờ. Và đi lục lọi thêm những mẩu khác nữa trong tủ để cho nó đủ. Mẩu nến của những kỳ giỗ xa xôi còn lại, vẫn chưa mất hết hẳn những giọt nước mắt sáp của những ngày hương đèn năm trước. Ông Cử Hai đem đốt chảy và họp thành được một tảng sáp lớn. Ông chuốt quân đèn xẻ rãnh và lấy sáp này làm cốt cho quân. Cũng may mà những mẩu sáp thừa kia đủ dùng, chứ không thì cũng hơi rầy vì cái khoản vật liệu này. Độ này nhà túng lắm, mọi việc mua bán đều phải lấy sự tiết kiệm làm đầu. Đã hay rằng ông huyện Thọ Xương vẫn có đưa ra luôn để cấp thêm vào việc chi tiêu trong nhà, nhưng ông Cử Hai lấy thế làm phiền.
Thế là tạm xong mấy cái cốt hình người. Bây giờ mới bắt đầu làm đến đầu người, mặt người. Thằng Ngộ Lang ngồi chồm hổm bên cạnh bố, hỏi luôn miệng:
—Tại sao cái mặt này cậu để trắng, cái mặt khác lại có hai chấm đỏ và cái mặt kia cậu lại bôi đỏ hết cả đi?
Cụ Thượng đang ngồi lấy mụn lụa xanh đỏ bó thành áo xiêm cho quân sáp, cười và bảo:
—Cháu đừng có nghịch thì mới chóng có đèn chơi. Mặt trắng là quan văn. Mặt đỏ là quan võ. Những người trung thần nghĩa sĩ cũng đều mặt đỏ cả. Người phản nịnh thì mặt trắng mốc điểm mấy vệt đỏ nhờ nhờ.
Ngộ Lang ngồi như nghĩ, chỉ vào lũ mặt người:
—Thế ra ông làm cho cháu một cái đèn có cả người nịnh và người trung, quan văn và quan võ đấy à. Sao ông không cho quân đèn mặt đỏ tất cả đi?
Ông Cử Hai để công nhiều nhất khi gọt đầu người bằng mai cá mực, gọt đến mặt Phạm Lãi và Tây Thi. Nàng Tây Thi phải có khuôn mặt đẹp đó là lẽ tất nhiên. Nhưng nghĩ đến cái thú vị của một đời người như lúc Phạm Lãi dám bỏ lại sau mình cả một cái giàu sang nhất nhì, đi chu du ngũ hồ, nghĩ đến phút ấy trong cái sinh bình một người cổ tích, ông Cử Hai cũng làm luôn cho Phạm Lãi một cái mặt rất đẹp, cấy vào đấy một bộ râu năm chòm đen nhánh. Ngộ Lang cũng tỏ ý thích cái đầu Phạm Lãi và cả cái đầu nàng Tây Thi nữa.
Cái đèn xẻ rãnh đã hoàn thành. Cái tán đèn xẻ rãnh to quá. Phải thắp đến mười con bấc nơi đĩa đầu sở, cái sức mạnh của lửa mới quay chạy được tán đèn. Ngày đầu tháng tám, ông Cử Hai đem đèn ra thử.
Có người học trò cũ ở Sơn Tây về qua Hà Nội, biết ông cử có con, đem đến biếu thày học cũ một cái bánh dẻo mặt trăng, mặt bánh to một thước, thế nào lại nhằm ngay vào giữa hôm ông cử Hai thử đèn xẻ rãnh. Ông bày đèn ra sân, đốt hết cả mười con bấc cháy sáng. Ông bày luôn ra sân bộ đồ trà, mời Cụ Thượng ra ngồi vào cái ghế đẩu đã để sẵn trước đèn. Cụ Thượng ngồi, ăn bánh, uống nước và trịnh trọng như người được mời tới để định giải thưởng cho đèn xẻ rãnh. Rồi cả nhà mỗi người một miếng, trông vui vẻ lạ. Vui nhất là Ngộ Lang. Cả đến con Tố Tâm bé thế mà cũng ăn được hai mảnh bánh mặt trăng.
Quân bắt đầu diễn vòng đầu. Mặt trước đèn có nến soi vào, sáng như một sân khấu rạp tuồng. Thuyền Tây Thi từ từ tiến vào sân khấu. Lúc nàng vào được đến phần ba sân khấu, lướt qua chiếc thuyền Phạm Lãi, động đến cái máy gạt thứ nhất ở góc trái đèn, thì thuyền của Phạm Lãi quay vào trong và lẩn mất. Nàng Tây Thi vẫn xuôi trên sông Ngô rồi tiến vào nội phận của đất Ngô. Cái máy gạt ở góc phải cỗ đèn động đánh xịch một cái, thì trên hòn núi giả sơn làm bằng giấy trang kim đốt đèn, Ngũ Tử Tư bắt đầu ôm lấy Phù Sai với dáng điệu của người tôi trung hết sức ngăn chúa. Nhưng dưới chân giả sơn, cái người nịnh thần là Thái Tể Bá Hy đã đon đả đi gần lại thuyền Tây Thi, giơ tay ra như đón lấy. Trên cái núi giấy, hai hình tôi và chúa kia vẫn cử động như ban nãy, một người tỏ vẻ can ngăn, một người ra bộ không chịu nghe. Thuyền Tây Thi dưới này, đi sâu mãi vào đất Ngô và khuất. Vậy là đủ một vòng đèn xẻ rãnh.
Ngộ Lang nhảy lên mà cười. Cái đèn này là của riêng nó để bày cỗ ngày rằm. Con Tố Tâm khoa mãi hai chân và hai tay có khóa bạc, và như muốn sà xuống chỗ đèn sáng. Rồi nó khóc. Mợ Cử Hai bảo chồng:
—Hay là làm cho mỗi đứa một cái. Càng đông đèn cỗ càng vui. Giữa mâm cỗ, bày một con gà uốn hình ông Lã Vọng. Ngộ Lang đã có đèn xẻ rãnh. Giờ làm cho con Tố Tâm một chiếc đèn kéo quân, cho nó khác đi.

Ngay ngày hôm sau, ông Cử Hai lại túi bụi vào việc làm đèn kéo quân. Ông đã đem một tập sách thơ cũ ra, lột mất mấy cái bìa sơn cậy, cắt bìa ra, ghép hai mảnh bìa làm một, dán lại làm hình người. Tố Tâm thì chỉ chơi đến đèn kéo quân thôi. Nhưng dù sao, ông Cử Hai cũng để hết công phu vào việc làm đèn. Chiếc đèn kéo quân của con Tố Tâm, đến hôm bày cỗ rằm, cũng còn hơn các bàn cỗ nhà khác ở chỗ nó có những hai chiếc tán kia, mỗi cái tán ăn vào một đĩa đèn, một tán xoay vòng theo chiều thuận, một tán xoay theo vòng nghịch. Đèn chạy hai vòng quân, một vòng trẩy đi, một vòng trẩy về, vui mắt lạ! Lại còn đèn cá và thiềm thừ nữa.
Mợ Cử Hai ngâm sẵn một vại ốc và bửa những quả bưỡi rất khéo, cốt giữ nguyên vẹn lần vỏ, trổ vào vỏ những hình trám thủng, để hôm sau con nó cắm vào trong vỏ bưởi những cây nến hạt bưởi khô, thắp lên rồi tha hồ mà lăn tròn cái thứ đèn cù ấy trên mặt đất.
Ông Cử Hai tìm lên vùng Hồ Tây đặt rượu sen thứ có tăm.
Chưa bao giờ cái Tết Trung Thu nhà ông Cử Hai nhộn nhịp đến thế.

Nguyễn Tuân (Vang bóng một thời)


khẩn trương


  • Khẩn trương triển khai biện pháp đối phó bão số 4.
  • Khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện pháp luật về đất đai.
  • Cần khẩn trương khôi phục việc dạy chữ Hán trong nhà trường phổ thông.
  • Khẩn trương xác định nguyên nhân lỗ của doanh nghiệp xăng dầu.
  • Ăn tranh thủ - ngủ khẩn trương - học bình thường - yêu đương là chính.
  • Khẩn trương làm rõ nghi án vụ nam sinh bị bắn vào đùi.
  • Các "ông lớn" phải khẩn trương tính thoái vốn ngoài ngành.
  • Lực lượng tìm kiếm, cứu hộ không kể thời gian, khẩn trương tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở mỏ than Phấn Mễ, Thái Nguyên, ngay cả trong đêm.
  • Yêu cầu các sàn bất động sản khẩn trương lập báo cáo về chống rửa tiền.
photo Internet
"Khẩn trương" cũng là một trong hàng trăm từ tiếng Hoa "mới" được nói và viết tràn ngập trong tiếng Việt sau 1975, thay cho những cách nói sẵn có. Thực vậy, trước đây, trong những câu thí dụ trích dẫn ở trên, người Việt thường nói: "gấp rút", "căng thẳng", "gay go", "cấp bách", "khẩn cấp", v.v.

Ngoài ra, trong một bài học tiếng Hoa trên http://vietnamese.cri.cn, có giảng câu sau:  你要住院手術, 你不要緊張, 這是小手術.

Phiên âm: "Nhĩ yếu trụ viện thủ thuật, nhĩ bất yếu khẩn trương, giá thị tiểu thủ thuật."

Dịch nghĩa: "Anh phải nằm viện phẫu thuật, anh không lo, đây là phẫu thuật nhỏ thôi."

Vậy mà, bây giờ, trong cách nói nói hằng ngày ở Việt Nam, lại thường nghe nói theo lối người Tàu: "Anh phải nằm viện phẫu thuật, anh không phải khẩn trương, đây là phẫu thuật nhỏ thôi."

Tại sao hàng loạt các cách nói sẵn có, rõ ràng, trong sáng, một sớm một chiều, bỗng bị xóa bỏ để áp đặt thay thế bằng những từ ngữ của người Tàu, mà không hề đem lại một khái niệm, thuật ngữ nào mới lạ? 


dimanche 22 juillet 2012

bức dư đồ


Vịnh bức dư đồ rách

Nọ bức dư đồ (*) thử đứng coi,
Sông sông núi núi khéo bia cười!
Biết bao lúc mới công vờn vẽ,
Sao đến bây giờ rách tả tơi?
Ấy trước ông cha mua để lại,
Mà sau con cháu lấy làm chơi!
Thôi thôi có trách chi đàn trẻ,
Thôi để rồi ta sẽ liệu bồi!


Tản Đà (1889-1939)














Chú thích

(*) Dư đồ 輿圖: Còn gọi là địa đồ hay bản đồ.

Bản Đồ Việt Nam Mới Nhất - Không Còn Trường Sa Hoàng Sa

Lời bàn “tiếng Việt”

Tản Đà (1889-1939) làm bài thơ này, cách đây khoảng 100 năm, dưới thời thực dân Pháp đang thống trị Việt Nam. Năm 1954, Việt Nam giành lại độc lập, nhưng đất nước bị chia đôi. Nhà nước Hà Nội, tiếc thay đã trở thành công cụ của ý thức hệ mác-xít, với sự hỗ trợ của Liên Xô và nhất là của Trung Quốc Cộng Sản, tiếp tục chiến tranh, và thành công đưa cả nước vào tròng xã hội chủ nghĩa từ năm 1975. Hơn thế nữa, ngay từ năm 1958, thủ tướng của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (miền Bắc) đã viết công hàm dâng biển đảo Việt Nam cho Bắc Kinh. Bây giờ, năm 2012, công an vẫn đàn áp, cưỡng chế ngăn chặn nhân dân biểu tình chống ngoại xâm. Riêng tiếng Việt, bị xáo trộn chưa từng thấy trong lịch sử, đang bị tiếng Hoa đồng hóa dần dần, chưa biết để hại tới bao giờ.



Cập nhật

2020/03/05









jeudi 19 juillet 2012

phụ kiện

  • 60 tuổi vẫn cạy trộm phụ kiện đường sắt.
  • Phụ kiện tủ bếp đẹp. ... Phụ kiện tủ bếp Hafele-ray hộp đa năng Tandembox. Tủ bếp gia đình nhà anh Đức Anh. Phụ kiện tủ bếp Wellmax Kệ 10 rổ Chrom.
  • Hoạt động kinh doanh các sản phẩm phụ kiện iPhone – iPad và các dòng Smart phone.
  • Chuyên cung cấp quần áo, túi xách, giầy dép, trang sức và phụ kiện làm đẹp cho thời trang phái đẹp.
Đọc mấy hàng tin tức như trên, có thể đoán được phụ kiện nghĩa là: bộ phận, thành phần... trong máy móc, xe cộ... có thể tháo ráp, để lau chùi, sửa chữa hoặc thay thế. Phụ kiện cũng là đồ vật mang thêm có ích lợi gì đó, chẳng hạn về quần áo phụ nữ có vòng trang sức, bao bơm hơi để nâng vú cho khỏi xệ, v.v.

Ở miền Nam, thời trước 1975, thường chỉ nghe "phụ tùng xe hơi", nhưng không nói tới các thứ khác như điện thoại di động, tủ bếp... như bây giờ. Hơn nữa, phụ kiện còn được áp dụng rất nhiều vào thời trang phụ nữ.

Rõ ràng, phụ kiện lấy từ tiếng Hoa 附件. Mặc dù người ta nhận thấy, trong tiếng Việt, phụ kiện hầu như không được dùng theo nghĩa: văn bản phụ, văn bản bổ sung, phụ lục.

photo Internet (*)  YUMISHOP - BỘ QUẤN TÓC HÌNH CHÌA KHÓA
Đành rằng, tiếng nói tự nhiên phải phát triển và biến chuyển để thích ứng với những thay đổi trong xã hội. Nhưng tại sao cứ bắt buộc phải rập khuôn theo tiếng Hoa, như người ta nghe ra rả hằng ngày hoặc đọc thấy nhan nhản trên báo chí ở Việt Nam ngày nay?

Ghi chú
(*) Tấm hình này, đầy chữ Tàu của trang web http://www.123mua.vn, thấy được khi gõ "phụ kiện" vào ô tra tìm trong google.com




vendredi 6 juillet 2012

ngáo ộp


Trong bộ tranh dân gian của Henri Oger (Hà Nội, 1909) có vẽ "ngáo ộp dọa trẻ":

Nhưng "ngáo" là gì? "ộp" là gì?

Đại Nam Quấc Âm Tự Vị (1895) ghi: 奡 Ngáo. Tên riêng một người mạnh mẽ đi xưa, ly lưng đỡ nổi một chiếc thuyền, thường hiểu ra nghĩa ngơ ngáo, lng lơ, như ngc như dại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Dư (2011, Pháp, Lyon) đưa giả thuyết: "ộp" do chữ Pháp "ogre" trong truyện Le Petit Poucet của Charles Perrault (1628-1703). Theo tự điển Robert, "ogre" là một tên khổng lồ, hình thù dễ sợ, ăn tht người.

Việt Nam Tự Điển (1931) ghi: Ộp-ộp. Thường nói "ồm ộp". Tiếng ếch kêu.

Đc trên Internet, có người giải thích như sau: "Ngáo ộp" là cái bóng người soi trên vách, phải là cái bóng thật to mới gọi là ngáo ộp, ngưi ta dùng để dọa trẻ con.

"Ngáo" đi kèm với tiếng ễnh ương "ộp ộp" ngoài bờ ruộng, nghe càng thêm sợ. Vì thế mà sinh ra hai chữ "ngáo ộp" chăng?

Dù sao đi nữa, "ngáo ộp" chỉ là cái bóng để hù con nít.

Thí dụ: "Nhân đây tôi kêu gi đừng sợ chính trị. Nó là con ngáo ộp. Nhà nước này muốn độc quyền dùng con ngáo ộp làm chính trị. Hễ ai làm chính trị họ bỏ tù, công an bắt bỏ tù này khác. Đừng sợ!" (Đc Tăng Thống Thích Quảng Độ trả lời phỏng vấn về Lời kêu gọi biểu tình ngày chủ nhật 1.7.2012)


mercredi 4 juillet 2012

giọng nói của Nguyễn Du

Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh
hay là giọng nói của Nguyễn Du

Bùi Giáng

Ông Hà Như Chi có gửi cho anh em học sinh chúng ta một tặng vật vô giá: hai tập sách "giảng văn" (1) viết rất công phu, chu đáo. Tập thứ nhất, với những quan điểm ngời sáng đã làm ta cảm động rất nhiều. Ta chờ đợi tập II, lòng rất băn khoăn… Tập II, chương trình đệ tứ và đệ nhị, có tác phẩm của Nguyễn Du. Ta hồi hộp. Bậc đàn anh mà chúng ta mến mộ có sẽ làm ta thất vọng hay không? Ta sợ rằng người sẽ chạm vào tác phẩm lớn với một bàn tay kém thận trọng. Nhưng khi tiếp đuợc tập sách, chúng ta thấy thật sự được yên lòng. Lời giảng luận của ông Hà Như Chi ở đây chứng tỏ một tâm hồn giạt dào giữa bao nhiêu nhận xét vô tư, thẳng thắn. Chúng ta sung sướng nhận ra nơi đây một sự điều hòa đẹp đẽ, giữa một khối óc và một tấm lòng. Và khi nhận xét về giá trị luân lý của Truyện Kiều, trước những bản án nghiêm khắc của các nhà phê bình đứng trên lập trường đạo đức xưa nay, và nhất là của ông Nguyễn Bách Khoa, lời biện hộ của ông Chi thật hùng hồn, vừa giản dị vừa sâu xa.

Và mục đích của kẻ viết bài này là góp vào một lời bàn với ông Chi về điểm ấy: giá trị luân lý và nhân bản của Truyện Kiều; góp một lời bàn, đưa thêm một chút ý kiến riêng.

Giá trị luân lý của Truyện Kiều. Truyện Kiều có phản đạo lý hay không. Vấn đề người ta bàn tới đã nhiều. Và ta thấy có gì buồn rầu khi buộc lòng phải lựa lời bàn lại. Lời lẽ ta có ý nghĩa gì không? Có sẽ phụ lòng bạn đọc? Có phản lại chính mình? Và có phụ lòng kẻ trước khi nhắm mắt còn thở than: "Bất tri tam bách dư niên hậu…".

Giá trị luân lý của Truyện Kiều như thế nào? Ta sẽ dựa trên nguyên tắc nào mà định đoạt giá trị nó? Cái gì sẽ là tiêu chuẩn của chúng ta khi xét giá trị luân lý của một tác phẩm văn chương? Ta có nên căn cứ vào những việc làm của nhân vật, những cảnh tượng được kể lại trong tác phẩm để mà quy kết rằng tác phẩm này có giá trị luân lý, tác phẩm kia phản đạo đức? Ta có nên phân biệt tinh thần đạo đức chân chính với những quy tắc đạo đức của một một nền giáo lý nghiêm nhặt không? Tương quan giữa luân lý và văn chương như thế nào? Tác giả khi thai nghén một tác phẩm văn chương có nên luôn luôn để bị chi phối vì những nguyên tắc luân thường không? Mà để bị chi phối theo một lối nào? Tất cả những câu hỏi phức tạp này, ta tưởng như những lời luận bàn sâu sắc của ông Chi đã giải đáp đầy đủ. Ông đã đi khắp một vòng hầu hết những ý kiến xung đột nhau từ trước tới nay chung quanh vấn đề: "luân lý Truyện Kiều". Trong bài này, tôi dám xét lại vấn đề dưới một vài khía cạnh, sắc thái khác thôi.

Những kẻ mạt sát Truyện Kiều, muốn loại trừ tác phẩm Nguyễn Du khỏi chương trình giáo dục, lấy cớ nàng Kiều chỉ là một con đĩ xấu xa cả phách lẫn hồn… Kẻ bênh vực cho rằng vì hoàn cảnh bắt buộc, Kiều phải sống đời ô nhục, nhưng tâm hồn nàng cao quý, trong trắng, trung, hiếu, nghĩa, đủ đường. Người ta căn cứ nhiều trên hành động của nhân vật để kết luận rằng Truyện Kiều có giá trị luân lý hay không. Và nên giữ nó lại hay không. Đó là một quan điểm quá hẹp hòi. Kiều có thể rất truỵ đọa tâm hồn, mà tác phẩm của Nguyễn Du vẫn có thể có một giá trị luân lý và nhân bản sâu xa; cũng như nàng Kiều có thể thanh cao hết mực mà giá trị luân lý và nhân bản của tác phẩm Nguyễn Du rất kém. Ta nên định giá trị luân lý của tác phẩm theo nhân sinh quan của người kể chuyện thì đúng hơn. Cái đời sống tầm thường, hay nhu nhược, hay yếu hèn của cô gái triều Minh có làm nổi bật một bài học luân lý nào là do nhân sinh quan của người kể chuyện. Cái nhân sinh quan đó như thế nào, mà tuy quan điểm nghệ thuật của tác giả đã lấn át quan điểm luân lý, tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Du vẫn như nghìn năm còn gửi gắm lại cho ta một bài học luân lý sâu rộng vô cùng.

Tại sao đời sống tầm thường của Kiều ngót một thế kỷ rưỡi đã khua động đến cùng tâm hồn của người Việt. Dù khen, dù chê, ai cũng phải nhìn nhận nó có một sức hấp dẫn kỳ quặc. Kiều có thể đã nhiều lần hành động trái với giáo lý Khổng Mạnh, Thích Ca, mà tại sao ta vẫn thấy không đành cho rằng Đoạn trường tân thanh là phi đạo lý, tại sao tác phẩm Nguyễn Du vẫn như một tiếng kêu tha thiết, vang dội thẳng vào lương tâm ta đến tận phần sâu thẳm nhất?

Ta lấy làm lạ. Và nhiều người vội cho rằng đó là do ảo ảnh mê hoặc của từ chương. Làm gì có chuyện ấy. Cái văn chương phù phiếm kiêu sa đời nào có sức cảm động đến trình hạn ấy, mà cảm động chính ngay cái tinh thần đạo đức của chúng ta. Ta tưởng như ở đây Thiện và Mỹ không tách rời một tí nào được. Một tác phẩm văn chương bệnh hoạn, phản lại tinh thần đạo đức trong lương tâm con người có bao giờ mang được cái dáng dấp kiều diễm lạ lùng kia.

Và ta muốn nói: tác phẩm văn chương, trước nỗi đau khổ của một kiếp người đã đặt lại vấn đề đạo lý ở ngoài cương vực thông thường. Một tác phẩm văn chương nào không phản lại tâm lý của con người, nói lên được nỗi buồn đau tủi nhục của người trước cuộc sống, sự cố gắng của người, cái thiện chí của người gìn giữ một chút gì thủy chung giữa muôn vàn thay đổi, giúp người vượt cuộc sống thực tế bon chen, giao hòa cùng đất trời trong một niềm xót xa chung cho cuộc sống, tác phẩm văn chương ấy sẽ có một giá trị luân lý sâu xa.

Kiều có thể đã vô tình làm chết đạo Khổng: cái đạo Khổng đã bị xuyên tạc, di lệch nhiều, và không còn được bấu víu vào nhân cách của vị giáo chủ, dựa vào bản ngã rạng ngời của bực thánh hiền xưa — vâng, cái đạo Khổng di lệch ấy, cần chết đi để cho cái tinh thần đạo lý muôn đời của giống người sống lại, đúng với nguyện vọng của thánh hiền xưa.

Tự bao đời, Khổng giáo đã chỉ còn là một mớ ước lệ câu thúc cá nhân. Và mỗi lần cha ông chúng ta nhắc "Khổng Tử viết…" là mỗi lần danh từ xô bồ đã che lấp sự thật. Còn đâu cái tấm lòng dào giạt vô biên của Khổng Khưu, con người của lẽ "tuỳ thời biến dịch", con người cẩn trọng "dư dục vô ngôn", con người sáng suốt, đau lòng vạch mặt bọn hương nguyện "hương nguyện đức chi tặc dã". Người ta lặp lại lời của thánh nhân, nhất cử nhất động nhắm mắt theo lời dạy của thánh nhân, mà thật ra người ta đã không để lòng mình cùng lòng thánh nhân rung cảm. Giữa thánh nhân và người, nẻo cảm thông đã hoàn toàn nghẽn lối. Người ta luôn luôn thấy mình bị ép buộc phải vâng theo. Giáo lý còn ghi không còn giữ được cái dào giạt của tâm hồn, và cả nền đạo đức đã cằn cỗi khô khan như cây mất nhựa sống.

Vận mệnh của đạo lý xưa nay vẫn là như thế. Rồi những quy tắc nghiêm nhặt chỉ còn nói chuyện với đầu óc chúng ta. Nhưng làm sao được giữa bao bước nổi chìm của cuộc sống đổi thay, chúng ta cần sống với cõi lòng nhiều hơn. Đạo lý thiếu cái dào giạt của tâm hồn làm rạng rỡ nghĩa, đạo lý chỉ còn là một cái gì u tối, mong manh trước sức dập dồn của cuộc sống.

Khổng giáo nghiêm nhặt, Lão giáo siêu nhiên, và Phật giáo mầu nhiệm, hay mác-xít khoa học, có thể hoàn thành nhiệm vụ của nó giữa đời không? Nhưng cái số người đạo đạt Lão giáo, Phật giáo được mấy ai? Đi sâu vào một nền siêu hình tốn quá nhiều thì giờ, và đòi hỏi quá nhiều cố gắng tinh thần, óc trừu tượng. Mà cuộc sống thì tết dệt bằng vui mừng vì gặp gỡ, đau đớn vì phân ly, hân hoan vì ăn ngon miệng, và khoan khoái vì ngủ ngon lành. Cái gì sẽ giúp cho thế nhân đông đảo rung động chân thành để hiểu đạo lý sâu xa bằng trực giác, và lựa được nhịp điều hòa giữa cuộc sống va chạm, đẩy xô? Tôi tưởng ấy là tác phẩm văn chương.

Và chúng ta xin nói lại: Bằng tác phẩm văn chương, trước một nỗi đau khổ của con người cũng như trước bao nhiêu tầm thường của cuộc sống oái ăm, ta thấy vấn đề luân lý được đặt lại sâu rộng vô cùng ở ngoài cương vực của giáo lý.

Tác phẩm văn chương nghệ thuật đi thẳng vào tâm hồn ta, khêu gợi dậy tinh thần đạo đức tiềm lắng trong tâm tư. Người bình dân lam lũ, đầu tắt mặt tối, chân lấm tay bùn, sẽ sẵn sàng trâng tráo cười nhạt trước lời "Khổng Tử viết…", và sẵn sàng vũ phu, tàn bạo trước bao nỗi bất công… Bao nhiêu lọc lừa, phản bội, thù oán, tị hiềm sẽ xô đẩy loài người vào chỗ xung đột liên miên… Nhưng do đâu người bình dân có cái nét chịu thương chịu khó, tận tuỵ, trung thành? Ta tưởng chính là cuộc đời hiền dịu trước cỏ cây, và tâm hồn thơ nhạc muôn đời vẫn còn biết rung động trước lẽ Đẹp… Rồi những câu ca tiếng hát giữa gió nội trăng ngàn đã làm nở giãn tâm hồn họ, hé cho họ thấy ý nghĩa vĩnh cửu của đời, qua cái hỗn loạn của kiếp sống phù du.

Tay bưng dĩa muối chấm gừng,
Gừng cay muối mặn xin đừng bỏ nhau…
Đôi ta lên thác xuống ghềnh,
Em ra đứng mũi cho anh chịu sào.


Ngày mai, để thực hiện một xã hội công bằng, chúng ta sẽ hô hào họ đứng lên, nếu bạn muốn. Căn tính hung hãn của con người sẽ được ta đánh thức dậy, nếu bạn đành lòng. Nhưng cơn gió lốc qua, khói bụi đời phải cho lắng xuống. Người phải sống lại dưới lũy tre xanh bên hàng giậu thắm, đi trong con đường râm mát, có gió rì rào, chim ríu rít. Ta sẽ xây lại hạnh phúc cho loài người bằng lẽ Thiện trong văn chương.

Và có tác phẩm nào trong văn chương tiếng Việt gây cho người những nỗi thương tâm, bất bình, vừa sâu xa man mác, vừa an ủi lạ lùng như Đoạn trường tân thanh? Tác phẩm của Tố Như đã làm rạng nghĩa cho đạo lý như thế nào? Khi chậm rãi kể lại cho chúng ta đời sống của Kiều cùng mọi hành động, cử chỉ, lời ăn tiếng nói, câu khóc giọng cười, nhà nghệ sĩ không một lần nào vo tròn hay bóp méo nghệ thuật để cho nó quy thuận theo dụng ý riêng tây, mà vẫn trọn vẹn ký thác được tâm sự mình, và đã cho đời sau thấy cả một nhân sinh quan lung linh tuyệt diễm. Nguồn đạo lý thoát ra từ cái nhân sinh quan sâu sắc ấy, từ cái nhìn rất gần gũi với cuộc đời, mà hầu như đã hoàn toàn siêu thoát, người sẽ nói đến tài, đến mệnh, đến luật bỉ sắc tư phong, nghĩa là đến những ý tưởng sáo — và nhiều khi chúng ta muốn mỉm cười cho là nhạt nhẽo, bâng quơ — nhưng nếu ta chịu chậm rãi thung dung nhận lại, ta sẽ thấy không biết bao nhiêu sâu xa của tư tưởng, u uẩn của tâm tình, khúc mắc của tâm can được giải bày dưới những lời tầm thường mà người thường vẫn thường dùng quen trăm bận. Rồi cũng từ đó, bao nhiêu hành động, ngôn ngữ của nhân vật, khi yếu, khi hèn, khi tầm thường nhu nhược, nhân vật mà người khen, khen hết mực, người chê, chê không tiếc lời, nhân vật ấy bỗng khoác một dáng dấp khác hẳn, giống hệt đời, mà buộc ta vượt qua đời, rất gần gũi mà lại nhắc nhở xa khơi, ta cùng người đắm chìm trong tủi nhục, mà lại muốn "cao xanh liều một cánh tay níu trời…". Và những người đứng ngoài cuộc, chống ý nhau, người tán dương, kẻ thóa mạ, cả đôi bên đều không ngờ rằng mình vẫn cùng nhau mang nặng một bản chất, bản chất của con người vừa vinh vừa nhục, vừa Satan quỷ quyệt, vừa Thiên thần, nơi đất trích vẫn hoài niệm Thiên Thai…

Đáng lẽ sau khi chửi nhau thỏa miệng, họ phải giật mình… cười xòa nhận ra chúng mình thảy là con dân đất nước, dưới bầu trời dịu ngọt của thiên nhiên, dưới ánh hồng đã làm ngưng tụ tinh hoa của sương tuyết trong một thiên tài diễm tuyệt của Hồng Lĩnh, Lam Giang. Và xin nguyện cùng nhau từ nay ta hãy biết yêu thương tác phẩm của người trong một niềm thân ái khác. Ta sẽ hân hoan bảo nhau: Hoài Thanh hãy im tiếng, Phạm Quỳnh hãy nín hơi, Nguyễn Bách Khoa hãy dừng lại… "Cô hãy dịu dàng… chậm chậm thưa anh…". Các bà con đừng bận tâm gì về những lời thưa thốt cũ sai lệch của mình, hãy dịu lòng lắng lại tiếng "tân thanh", trăm năm cũ còn ghi tên tuổi hão… Rồi trong đêm xuân tịch mịch, hay trong đêm thu võ vàng, cùng với hương đêm say dậy ánh sao ngời, cả một "trăm năm trong cõi người ta" sẽ huy hoàng hiển hiện với những màu sắc dị thường… có anh, có chị, có nàng, có em… Mọi khuôn mặt buồn đau, nhăn nhó, hay tươi tắn với tình mộng buổi đầu, mọi khuôn mặt đều lung linh trong màu sắc mới qua tấm gương ngọc vô cùng lạnh lẽo của Đoạn trường tân thanh.

Cả một cảnh đời băng giá dưới ánh trăng huyền diệu của văn chương đã được Tố Như giăng giăng phơi trải… Và mọi chúng ta, bước trên con đường bon chen của cuộc sống, dừng lại, đưa mắt bâng khuâng. Thanh thản chợt về lại trong tâm hồn. Ta soi lại bóng mình. Và thấy lòng yên dạ: cuộc sống vẫn là xô bồ, nhưng bên kia cái xô bồ còn lung linh một bóng hình diễm ảo: cứu cánh của cuộc đời ta thì ra không phải chỉ có lợi, danh, tình… những của phù phiếm ấy có nghĩa gì giữa cuộc sống phù du? Nếu người không biết để lòng mình giạt dào trong một nỗi cảm thông nào cùng trời đất, mà nghìn năm cây lá vẫn ngâm vang:

"Con là sáo, mẹ là ngàn vạn gió,
Mẹ là trời, con là hạt sương rung…"

(Xuân Diệu)

Kiều đã sống một cuộc sống giống chúng ta. Nàng đã đau khổ. Như mọi chúng ta thôi. Nhiều hơn một số, và ít hơn một số. Nàng tỏ ra có thiện chí ít nhiều, và nhiều lần tội lỗi. Đời nàng tầm thường là hình ảnh kiếp người tầm thường. Nhưng khi kể lại đời nàng cho ta nghe, Nguyễn Du đã có một giọng điệu nhặt, khoan, trầm, bổng thế nào, và đã làm sáng ngời bài học luân lý. Chúng ta cảm động. Khi lặng nghe Nguyễn Du chậm rãi giọng lời, chúng ta thấy bên kia tối tăm, một kiếp người đương vùng vẫy. Trong tâm khảm ta, từ nay hình ảnh ấy sẽ in sâu, rõ nét, đậm màu. Vì bên tai ta luôn văng vẳng giọng Nguyễn Du. Con người nhỏ bé trong tác phẩm đã cho ta một bài học lớn. Chúng ta thầm tạ ơn tác giả. Giá trị luân lý của Đoạn trường tân thanh không do những hành động vụn vặt của Kiều, mà do lời thuật chuyện của thi nhân. Lời đây không phải là lời văn, mà là giọng nói của một tấm lòng. Lời nói mang nặng biết mấy tâm tư: tâm linh của người dân Việt hội tụ lại ở đây, một lần duy nhất: trong sáng hơn ca dao, thâm thúy hơn tôn giáo, diễm tuyệt hơn văn chương, vì cái giọng não nùng của một kiếp sống dở dang trong giòng đau thương của thế kỷ. Dở dang mà không gì nguyên vẹn cho bằng.
*
**


Ta hãy bước lệch một bước vào riêng một chi tiết, để rồi trở lại với toàn thể, lòng sẽ thỏa nguyện trong mối tổng hợp hơn.

Xưa nay, người ta vẫn thường cho rằng Kiều Thủy chung với Kim Trọng; trong đời luân lạc luôn luôn trung thành với hình ảnh người gặp gỡ ban đầu. Một số khác cho rằng nàng đổi lòng thay dạ trâng tráo vô cùng. Rồi kẻ chê người khen. Chê khen Kiều, và chê khen Nguyễn Du. Nhưng ta tưởng rằng đọc Kiều, ta nên luôn luôn thận trọng, đừng vội vàng không nhận ra cái nét phức tạp của tâm lý Kiều, và cái nhân sinh quan sâu sắc của Nguyễn Du. Kiều là một người. Tâm hồn nàng tha thiết như tâm hồn người lúc tuổi xuân, và cũng là tâm hồn yếu đuối của người trước sóng đời dày dập. Kiều đã yêu Kim Trọng, nồng nàn. Đau đớn đến tột cùng khi lỗi hẹn ra đi. Trên bước phong trần luôn luôn tưởng nhớ, nhưng sau những nỗi ê chề, hình ảnh ban đầu hiện về trong vẻ nhạt phôi pha, đó là lẽ thường, ta phải nhìn nhận. Và ta tưởng đừng nên tuyệt đối buộc nàng phải chung thủy trọn đời trong tâm tưởng với người yêu. Cái thê lương, buồn tủi thê mê của kiếp người là ở đó. Nguyễn Du đã thấm thía cái ý nghĩa của năm tháng phôi pha thế nào, khi để cho Kiều thốt: "Tiếc thay chút nghĩa cũ càng, Dẫu lìa ngó ý…". Chút bùi ngùi, luyến tiếc, thế thôi. Nặng tình, không thể còn nữa. Nàng có thể nặng tình, nặng nghĩa với Thúc Sinh, với Từ Hải hơn với Kim Trọng, ta cũng không vì thế mà phật lòng.

Và sau này tái ngộ, cái chút dùng dằng mới ảo não làm sao. Thật quả như lời nàng lo sợ thuở xưa:

Trùng phùng dầu họa có khi,
Thân này thôi có còn gì mà mong.


Và, trong đêm động phòng não ruột:

Hay gì vầy cái hoa tàn mà chơi.

Nhưng ta nên nhớ rằng cái sự thật của chiếc hoa tàn ngày nay trong quan niệm của con người đã mười lăm năm lưu lạc, không phải như cái sự thật của "thân này thôi có còn gì mà mong" trong quan niệm của người con gái khuê các trong trắng ban đầu hình dung trước viễn ảnh. Ngày "phong rủ ấm là", nàng chỉ quan niệm được sự suy đốn của tấm thân. Sau mười lăm năm chịu đày đọa nàng sẽ cay đắng hơn nhận ra không riêng gì tấm thân suy đốn. Cả tâm hồn tình mộng cũng nát tan. Cái gì mà còn nguyên giữa đời bụi gió. Đổi thay và đổi thay… Gió bụi và gió bụi. Ở lầu xanh khi sớm đưa Tống Ngọc, tối tìm Tràng Khanh, nàng vẫn tin linh hồn mình với chàng Kim còn nguyên vẹn, có nhượng bộ với đời chỉ là tấm thân chịu nhượng bộ mà thôi. Nhưng rồi qua một mối tình với Thúc Sinh mặn mà giữa cay đắng, ta bắt đầu cùng nàng cảm thấy rằng cái tâm hồn nguyên vẹn tuyệt đối của tuổi xuân thuở "phong gấm rủ là" của con người thề thốt dưới ánh trăng cùng ai "đinh ninh hai mặt", cái tâm hồn nguyên vẹn ấy cũng đã bắt đầu nhượng bộ rồi. Bức thành trì quanh điện đài sâu kín của tâm tư đã bắt đầu long lở. Tuy điện đài vẫn còn dường lộng lẫy như nguyên:

Tóc thề đã chấm ngang vai,
Nào lời non nước, nào lời sắt son.


Để rồi sau này sẽ sụp đổ luôn, thêm một lần giông tố, thấy mình thất thế hơn nữa giữa đời, nàng thua trí Hoạn Thư, chịu ăn cắp chuông vàng khánh ngọc trốn đi, để sa vào thanh lâu lần nữa; để gặp Từ Hải, để chịu coi nhẹ tình của trượng phu đã rộng thương chút thân bèo bọt, để nghĩ đến cái nở nang mặt mày của cỏ nội hoa hèn, đưa Từ Hải đến cái chết đau thương… Lòng Kiều sẽ lại thấy những gì? Cái ơn tri ngộ thăm thẳm như bể trời còn tan nát, huống mối tình phơi phới buổi ban sơ. Những mũi tên liên tiếp tấn công quả tim người nhi nữ. Không một lần nào có lẽ Kiều thấy tủi nhục cho mình bằng khi đứng trước cái chết của kẻ trượng phu, bởi vì mũi tên tuy là nói rằng của đời trớ trêu bắn tới, mà sự thật là chính nàng đã góp phần mài giũa mũi tên. Và buồn tủi nhất là nàng, còn chịu lê thê sống sót sau cái đêm tối rợn rùng, còn chịu thị yến dưới màn Hồ Tôn Hiến. Sau này nàng muốn trang trắng nợ trong nước sông Tiền Đường. Ta muốn hỏi: Có hoàn toàn lương tâm sẽ được gột rửa hay không? Và ta muốn đáp: Được gột rửa chăng thì cũng phải gieo mình ngay sau Từ tử trận, chứ không thể nào sau việc thị yến dưới màn. Bài vịnh chua chát của Tản Đà:

Hai làn nước mắt, hai làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.


đã phơi trải cho ta thấy tất cả cái tủi nhục không cùng trong bước nhượng bộ của người đàn bà lùi bước trước định mệnh:

Tổng đốc ví thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan.


Mà sao trong cái nhục ấy, tại sao ta bàng hoàng cảm thấy cái vinh dị thường của kiếp người hết đường vùng vẫy trong đau thương? Bởi vì đó là cái nhục của Thúy Kiều, nhân vật duy nhất của Nguyễn Du, kết tinh của một thiên tài tuyệt thế, phản ánh kiếp sống của một đời người chịu dạn dày ở giữa chỗ rã tan của xã hội, chỗ hủy thể của một nền giáo lý hết sinh lực trước sự tấn công của cuộc đời đòi hỏi một nhân sinh quan sâu rộng. Từ thất bại này đến thất bại khác, từ tủi nhục này đến tủi nhục khác, trước khi tìm tổng hợp được ý nghĩa đời mình, phải qua một lần cùng cực của tuyệt vọng. Tuyệt vọng của con người sau mười lăm năm lăn lóc dạn dày, Kiều gieo mình xuống Tiền Đường. Cái tuyệt vọng này không giống cái tuyệt vọng thuở xưa khi cầm dao đâm vào cổ, khi lần đầu tiếp xúc với tủi nhục của lầu xanh. Cái tuyệt vọng trước là cái tuyệt vọng của con người lạc quan bắt đầu nếm mùi cay đắng, chết với cả tấm lòng trong trắng hồn nhiên, tấm lòng hôi hổi vị yêu đời. Lúc gục đầu nhắm mắt, người không hổ thẹn mà hân hoan gọi tên người yêu về chứng giám: "Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!". Cái tuyệt vọng sau là của người đã trải hết mọi cay đắng, dửng dưng trước mọi sự rồi, vinh cũng như nhục, sống cũng như chết, nhưng vì sinh lực đã quá mỏi mòn, người không còn đủ sức kéo dài kiếp sống lê thê, nên người lại đành chọn cái chết. Chết như thế kể cũng còn lạc quan. Chưa đến nỗi nào. Và vì chút hy vọng đó nên sau này được hồi sinh, nàng còn về với cha mẹ, và còn đủ sinh lực để tổng hợp lại đời mình, góp nhặt lại những mảnh hồn tơi tả, dệt lại một tấm vải đơn sơ quý hơn gấm vóc để mặc vào làm duyên lại với đời: con người tha thiết yêu đương đã chết, nhưng con người theo nghĩa sâu rộng đã thành tựu hoàn toàn. Từ bao nhiêu đau khổ đã trải qua sẽ được nhìn lại sau tấm màn sương đẹp của một nhân sinh quan mới, giúp nàng hòa giải với cuộc đời, hân hoan sống bên người yêu cũ với một niềm tuyệt vọng vô biên, mà vẫn tuyệt vời thanh thản. Người yêu tưởng nàng đã tìm lại được hạnh phúc, người yêu tưởng có thể đem "kim mã ngọc đường" an ủi được kẻ gió sương, đâu có ngờ rằng con chim dạn dày sương gió, con chim giang hồ mười lăm năm từng đã lạnh sơn khê không thể nào tìm lại hạnh phúc trong vườn hoa đầm ấm của phong gấm rủ là. Nàng ôm cả một thế giới nội tâm huyễn hoặc dệt bằng kinh nghiệm, tết bằng đắng cay, đan bằng gai góc, chỉ riêng một mình mình biết, một mình mình hay… dù anh là thù, chị là bạn, chàng là người yêu cũng không ngờ tới được. Nàng sống thanh thản đầm ấm (!) giữa cô đơn; nàng sẽ dốc lòng tận tuỵ vì hạnh phúc của Vân, của gia đình Vân — ta tin rằng không ai săn sóc "sân quế hoè" của Kim Vân chu đáo bằng người chị bị đời ngược đãi ấy. Hình ảnh đời nàng hệt là hình ảnh đời Tố Như. Sống cô độc giữa triều đình nhà Nguyễn, không hề bao giờ lên tiếng nói năng bàn việc triều chính, vua có biết hay vua không biết, người không màng gì danh lợi nữa, mà vẫn dốc một lòng tận tụy trên chức trách mình, hết lòng làm việc lợi dân, cho nên người thời bấy giờ đều khen tiên sinh là người giỏi nghề cai trị. Cái tâm sự của Kiều chỉ riêng Nguyễn Du hiểu. Hay nói ngược lại: tâm sự của Nguyễn Du chỉ riêng Kiều hiểu. Cô gái Bắc Kinh đã may mắn được bậc di thần triều Lê đem giãi bày tâm sự. Nguyễn Du đã nâng Kiều lên ngang với mình, và có lẽ cùng với đôi người bạn đồng thời, có lẽ đã riêng là tri kỷ của tiên sinh: Phạm Quý Thích và Mộng Liên Đường chủ nhân. Một người để lại một bài thơ vịnh Kiều, một người đã viết cho tác phẩm một bài tựa lai láng cảm thông:

Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy,
Tân thanh đáo để vị thùy thương.

(Phạm Quý Thích)

Và:

"… Tố Như tử dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy…" (Mộng Liên Đường chủ nhân).

Ta lấy làm lạ tại sao những lời bàn ấy không đủ báo trước cho các học giả, các nhà phê bình sau này phải dè dặt.

Đến đây ta thấy ngại ngùng khi phải nêu trở lại những tiếng "giá trị luân lý" Truyện Kiều. Những danh từ ấy đã trở thành vô nghĩa. Chúng đã đánh lừa ta, khi ta đi tìm ý nghĩa Đoạn trường tân thanh. Những danh từ ấy người ta dùng đã quá nhiều, chúng xui ta lầm lạc ung dung bước vào những nẻo mòn, lối cũ. Ta phải đi về những lối khác, nhìn ngắm những phương hướng khác, cần buộc lòng mình di đảo những nếp cảm nghĩ cũ, cần một tấm lòng mới mẻ chịu cảm thông, và sẵn sàng bắt nhịp. Thế kỷ chúng ta từ lâu đã cho ta đủ điều kiện

Trải qua một cuộc bể dâu...

(Một vài nhận xét về Truyện Kiều và Truyện Phan Trần,
NXB Tân Việt, Sài Gòn, 1957).


Chú thích:
(1) Việt Nam Thi Văn giảng luận tập I và II – Tân Việt xuất bản.


lundi 2 juillet 2012

cẩu tặc


"Khoảng hơn 20h ngày 20/6/2012, tại địa bàn xã Nghi Phú, TP. Vinh xảy ra vụ câu trộm chó bị người dân rượt đuổi bắt được. Một trong hai tên cẩu tặc bị đánh dập dã man, xe máy bị đốt cháy rụi hoàn toàn. Thời điểm trên, hai thanh niên đi trên một chiếc xe máy đi vào địa phận xóm 6, xã Nghi Phú để ăn trộm chó. Trong lúc đang mang thòng lọng đi rà ngoài đường và vồ hụt một con chó thì cả hai bị người dân ở đó phát hiện và dùng ô tô đuổi theo."
tranh vẽ Internet

Như vậy, "cẩu tặc" là kẻ ăn trộm chó.

Hai chữ "cẩu tặc" này không ăn nhằm gì với Hán ngữ cẩu tặc 狗賊: Tiếng nhục mạ người khác bất trung bất nghĩa.

Lời bàn "tiếng Việt"

Đã xa rồi, cái thời gọi "nhà bảo sanh" là "xưởng đẻ". Bây giờ người ta thích nói "cẩu tặc" thay vì "ăn trộm chó". Hiện tượng ăn trộm chó này coi bộ lan tràn từ Bắc vào Nam, cũng nhiều như những trang web (loan tin về "cẩu tặc") tìm được trên google.com. Một con chó bắt trộm đem bán chắc được hai chục ký lô chứ đâu phải ít. Gặp thời "bão giá", đó cũng là một cách kiếm ra tiền rất hiệu quả. Nhưng có lẽ làm "cẩu tặc" là một "nghề" nguy hiểm. Công an giữ gìn an ninh trật tự không xuể, để dân trong xóm làng "tự phát" đem xe đuổi bắt đánh đập bọn ăn trộm chó chẳng nương tay.

Xem thêm: cẩu ngoại

Nguồn tin: http://www.zing.vn/news/xa-hoi/hang-tram-nguoi-dot-xe-danh-ke-trom-cho-ngat-xiu/a257000.html





Phụ lục

Làm thịt chó:

https://www.facebook.com/photo.php?v=760092490669301
 





dimanche 1 juillet 2012

đại gia


"Đại gia" có nhiều nghĩa, nhưng thường được dùng theo một trong hai nghĩa sau đây:
  1. Nhà quyền quý, thế gia vọng tộc.
  2. Bậc chuyên gia, tác gia nổi tiếng. Chẳng hạn, "bát đại gia 八大家" chỉ tám nhà văn học nổi tiếng nhất Trung Hoa gồm: Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên (đời Đường), Âu Dương Tu, Tô Tuân, Tô Thức, Tô Triệt, Vương An Thạch và Tăng Củng (đời Tống).
Trong bài "Những chiếc ấm đất" (Vang Bóng Một Thời) của Nguyễn Tuân, có đoạn sau đây:

"Ngày xưa, có một tên ăn mày cổ quái. Làm cái nghề khất cái là phải cầm bằng rằng mình không dám coi ai là thường nữa; thế mà hắn còn chọn lựa từng cửa rồi mới vào ăn xin. Hắn toàn vào xin những nhà đại gia thôi và cố làm thế nào cho gặp mặt được chủ nhân rồi có gì thì hắn mới xin. Có một hắn lần vào đến nhà giữa một nhà phú hộ kia giữa lúc chủ nhân cùng một vài quý khách đang ngồi uống trà buổi sớm."
 
Ngày nay, "đại gia" đã đổi nghĩa hoàn toàn: nghĩa là người có rất nhiều tiền và lắm quyền thế; người này lại thường được coi là dám ăn chơi, tiêu xài thả cửa, nhiều khi không cần đếm xỉa gì tới lễ nghĩa đạo đức.

Xem mấy câu thí dụ dưới đây đủ rõ:
  • Dù bận rộn với công việc kiếm tiền nhưng giới đại gia không quên "thả hồn vào thiên nhiên" tại những khu nghỉ mát sang trọng và thơ mộng.
  • Mối quan hệ phức tạp, lắm thị phi của kiều nữ trong giới showbiz và đại gia đã được đưa lên màn ảnh nhỏ trong bộ phim "Kẻ dối trá chân tình".
  • Với bộ sưu tập cả trăm chiếc xe độc đáo "từ cổ chí kim" đáng giá đến chục tỷ, Ngô Thanh Liêm được giới chơi xe ngưỡng mộ đặt biệt danh “đại gia xe".
  • Đối với nhiều chân dài, lấy được đại gia là coi như yên tâm về cuộc đời mình, coi như từ đây chỉ có ăn ngon mặc đẹp cho khỏi phí nhan sắc trời cho.