Rechercher dans ce blog

mardi 21 avril 2020

câu chuyện khẩu trang


Mới hồi đầu tháng 3, đọc một bản tin bên Việt Nam về việc một thầy giáo làng đem bán 20 cái khẩu trang cho học trò và bị nhà trường đem ra "xử lý" (1), tôi nghĩ đây là một tin vặt theo kiểu "chó chết xe nhà binh cán". Nhưng không khỏi tội nghiệp cho người dân Việt trong thời buổi "khốn nạn" (2) bây giờ.

Chưa đầy 3 tuần lễ sau, bệnh dịch Covid-19 bùng nổ từ Vũ Hán, đùng đùng lan thành đại dịch trên khắp địa cầu. Các nước Ý, Pháp rồi Hoa Kỳ đang khốn đốn tìm phương chống đỡ. Riêng chính phủ nước Pháp, vốn tự hào với hệ thống y tế tân tiến bậc nhất trên thế giới, bỗng hốt hoảng nhận ra không có đủ khẩu trang, ngay cả cho bác sĩ và nhân viên cấp cứu bệnh nhân. Đến nỗi phải cấp tốc thương lượng với Trung Quốc mua hơn 1 tỉ (1 000 000 000) khẩu trang gởi khẩn cấp qua cầu hàng không (pont aérien) đặc biệt trong vòng mấy tuần lễ. Cùng một lúc, New York trở thành khu vực nhiễm bệnh Covid-19 lớn nhất hoàn cầu. Chính phủ Hoa Kỳ, cũng như Pháp Quốc, chỉ biết trông vào Trung Quốc để cung cấp khẩu trang. Khổ một nỗi là hiện tại, Trung Quốc bao thầu 80% sản lượng khẩu trang trên toàn cầu. Nghe đồn trên thế giới, Hoa Kỳ còn tìm cách điều đình phỗng tay trên số lượng khẩu trang đã dành cho Pháp. Chiến tranh thế giới khẩu trang bắt đầu. 


Trong bối cảnh Trung Quốc xâm lược Việt Nam ngày càng gay gắt qua mọi ngả: kinh tế, quân sự, văn hóa (nhất là qua tiếng nói), người dân Việt Nam phải biết ý thức không chịu để một Nhà nước Hà Nội (lịch sử đã cho thấy rõ chỉ là tay sai của đế quốc Bắc Kinh) đưa đẩy đất nước vào vòng nô lệ.

Riêng hai chữ "khẩu trang" này, tôi nghe có phần chướng tai. Vì hai lí do:

1) Thứ nhất, nó không nói đủ công dụng của miếng khăn che mặt này: ngăn ngừa người đeo bớt bị lây nhiễm vi khuẩn qua miệng và mũi. Chưa kể là qua cả mắt nữa. Vì thế mà trong nhiều trường hợp, người ta phải đeo thêm kính che mắt.
2) Thứ hai, tại sao phải mượn dùng chữ Hán khi ta có chữ nôm na dễ hiểu.

Từ ngày dịch "Vũ Hán phế viêm" (Covid-19 tiếng Tàu) bùng nổ, xem báo Tàu trên Internet, mới biết họ gọi là "khẩu tráo" 口罩. 

Cách đây mấy hôm, tôi gặp một mục từ trong bộ Phật Quang đại từ điển có hai chữ "khẩu tráo" 口罩 nàybạch y phái [白衣派].

Và tìm ra cách dịch của Đại hòa thượng Thích Quảng Độ cho hai chữ "khẩu tráo" 口罩.

bạch y phái [白衣派]

Phạm: Śvetāmbara. Là một trong các phái thuộc Kì Na giáo tại Ấn Độ. Vì tín đồ của phái này mặc áo trắng, tượng trưng cho sự liêm khiết, nên có tên gọi như thế. (...) Nghi thức tôn giáo của phái này hạn định chỉ được cử hành trong các đền miếu của Kì Na giáo. Cho phép tín đồ được có một cái áo dài trắng, một cái bát, một chiếc quạt, một khăn che miệng để đề phòng vi trùng vào mồm.
(允許教徒擁有一件白袍、一鉢、一撣與防止小蟲入口之口罩) (3).

Tuy nhiên, khi biết rằng người Pháp họ gọi nó là "masque de protection", người Anh gọi là "wear mask", sao ta không nói phứt là cái "mặt nạ" như trước đến giờ, khỏi cần khẩu trang khẩu tráo lôi thôi.

Nói thêm về chữ "nạ", trong bộ "Từ điển Nguồn gốc tiếng Việt" (4) có giải thích như sau:

nạ: gốc Lào Thái, nghĩa là "cái mặt".  


Cho đến ngày hôm nay (21/04/2020), nước Pháp vẫn còn đang khốn đốn vì chưa có đủ mặt nạ để chuẩn bị cho chương trình thoát vòng phong tỏa toàn quốc (confinement général) dự trù bắt đầu vào giữa tháng 5 sắp tới.

Trong khi đó, dân chúng Việt Nam lại có vẻ phây phây ra đường che kín từ đầu tới chân.


Nếu thật bên Việt Nam không có người nào chết vì Covid-19, thì đây có lẽ là nhờ "đỉnh cao trí tuệ" của người dân Việt, chứ không phải mấy ngài "mặt trời tỏa sáng" ở Bắc Bộ Phủ (Hà Nội) đâu nhe.






Chú thích

(2) Theo nghĩa nhan đề cuốn tiểu thuyết Les misérables của Victor Hugo.
(3) Phật Quang Đại Từ Điểnbạch y phái [白衣派]
(4) Từ điển Nguồn gốc tiếng ViệtBác Sĩ Nguyễn Hy Vọng, USA 2014

















Aucun commentaire:

Enregistrer un commentaire

Remarque : Seul un membre de ce blog est autorisé à enregistrer un commentaire.